banner

THƠ CỦA NGƯỜI CẦM SÚNG

Thứ ba - 21/05/2019 23:02
Một đời cùng với Điện Biên
Bao nhiêu năm bấy nhiêu nghìn thiết tha
Sắn lùi măng luộc từng qua
Vào sinh ra tử cũng là có nhau
Mấy vần dẫu chẳng thơ đâu
Chỉ mong gửi lại mai sau tấm lòng.
          Đây là lời tựa của cha tôi trong tập thơ Hoa đá, tập thơ của một người lính, đã  trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, trên Đồi A1, từ những ngày đầu tiên cho đến những giờ phút cuối cùng - khi chiến dịch mùa xuân hoàn toàn thắng lợi. Tập thơ, theo lời cha tôi, chỉ là mấy vần “không thơ” của một thời bom đạn, lưu “một tấm lòng” gửi lại mai sau.
Khi tôi viết những dòng chữ này thì Chiến thắng Điện Biên đã lùi vào quá khứ  hơn 60 năm theo dòng chảy của thời gian lịch sử. Và cha tôi, người chiến sĩ  Điện Biên năm xưa, tác giả của tập thơ Hoa đá cũng không còn. Bao lần trong nỗi nhớ thương, tôi vẫn thầm tự hỏi: Giờ này, cha ở đâu?
Hẳn cha tôi đã về nơi người vẫn hằng nhớ thương, khắc khoải, vẫn trăn trở suốt cuộc đời và lúc sinh thời vẫn trải lòng trên những trang thơ. Tôi luôn nghĩ như vậy, rằng cha tôi đã về nơi có những đồng đội của người, những người lính Điện Biên năm xưa đã cùng cha hành quân, cùng cha chung chiến hào đánh giặc, cùng những ngày “Bẻ đôi nắm cơm vữa, đắp chung mảnh trăng rừng, điếu thuốc lào xẻ nửa”. Những con người tôi không biết mặt mà cũng chẳng biết tên, nhưng với tôi sao thân thương da diết. Tôi không bao giờ được gặp họ trong đời, nhưng lại thấy họ gần gũi vô cùng, và đẹp vô cùng trên những trang thơ – Thơ của cha tôi, một người cầm súng.
          Đi tìm cha trong ký ức nhớ thương, tôi đã gặp bao nhiêu đồng đội của Người. Có khi là một tập thể những con người trong cuộc hành quân của cuộc trường chinh vĩ đại:
                             Bữa nay Yên Bái thức thâu đêm
                             Bước bước quân đi thấp thoáng đèn
                             Đầu đã qua sông vào Nghĩa Lộ
                             Cuối còn dằng dặc dưới sao đêm
(Qua Yên Bái)
          Không biết có phải vì lý tưởng đẹp đẽ vẫy gọi ở phía trước và tình đồng đội nâng nhịp bước chân đi mà trong thơ của cha tôi khi ấy chỉ thấy dư âm của tiếng cười lạc quan, trong trẻo và chất thơ ngọt ngào của tình người, tình sông núi mênh mang:
                                      Thuyền sang chật ních tiếng cười
                             Thuyền về thư thả bồi hồi lưng khoang.
                                      Quân đi rừng núi thênh thang
                             Thuyền về lưu luyến trăng vàng đầy vơi
 (Qua Yên Bái)
          Cũng có khi là cả một chặng dài của bước trường chinh được cha tôi ghi lại trong bài thơ Tình cá nước, đã cho tôi ngược thời gian để được sống những ngày cha tôi đã sống. Tâm hồn tôi như cất cánh bay theo những người lính đang cùng nhau vượt núi trèo đèo, đạp bằng gian khổ để tiến lên giải phóng Tây Bắc:
                                      Gồ ghề, lại hẹp, lại cong queo
                                      Xuống khe, lên đỉnh, tạt ngang đèo
                                      Một người trượt vài ba người ngã
                                      Có lần đá núi cũng lăn theo.
Chân dẫm tai mèo, tay níu cây
                                      Ngẩng đầu: lích kích chạm vào mây
                                      Đường lên Tây Bắc dài gian khổ
                                      Lòng cứ vui theo những tháng ngày.
Tâm hồn người lính khi ấy hẳn là một suối nguồn trong vắt như pha lê, nên mới có được niềm vui trong trẻo và bất tận như thế trong gian khổ, và mới cảm nhận được niềm hạnh phúc khi tưng bừng thắng giặc, giải phóng bản làng, giải phóng quê hương:      
                   Ca Vịnh ta lên đồn giặc vỡ
                                      Ba Khe chưa đánh đã tan rồi
                                      Đắng cay còn đỏ mòng mi mắt
                                      Mẹ nắm tay ta mếu máo cười.
Bài thơ là một dòng ký sự mà người cầm súng đã ghi lại bằng chính những trải nghiệm hành quân, đánh giặc của mình. Có khi là cuộc chiến đấu mà sức mạnh chiến thắng lại được bắt đầu từ chính nhân dân, và niềm vui chiến thắng hân hoan đã hóa ngọn lửa reo vui trong trái tim chiến sĩ:
                             Cheo leo đường hiểm dân đưa lối
                             Đồn Bản Mo không nổ mà tan
                             Quân phục còn vương khói súng
                             Bập bùng lửa trại liên hoan.
Có khi là cuộc gặp gỡ rồi lại chia tay để tiếp tục cuộc ra đi đầy hiểm nguy gian khổ, vậy mà chỉ có lưu luyến, nhớ nhung chứ không vương bi lụy, yếu mềm bởi trong tâm hồn người lính khi ấy là cả một bản tình ca đẹp đẽ của đời chiến sĩ được cất lên từ tình quân dân cá nước:
                                      Nhịp xòe còn dở đã ra đi
                                      Ai tiễn đưa ai có nghĩa gì
                                      Tất cả cùng đưa tất cả
                                      Sao khuya  lấp lánh quân kỳ.
          Người lính đi tới đâu cũng có dân đưa lối, dừng ở đâu cũng có dân yêu mến chở che, bởi bộ đội từ nhân dân mà ra và lòng dân tin yêu người lính Cụ Hồ:                                          
   Suối cạn dừng chân đá trắng phau
                             Chị gùi cho sắn, mẹ cho rau
                             Nhận thì cũng khó, không càng khó
                             Chiếc kim sợi chỉ cấm tơ hào.
                             ………………………………
                             Cùng dân nào gặt nào gieo mạ
                             Cũng gà, cũng lợn, cũng trồng tre
                             Tình dân, nghĩa nước ngày thêm thắm
                             Mắt giặc mây mờ lớp lớp che.
 Không phải vô cớ mà cha tôi đặt tên bài thơ là Tình cá nước thay cho tên gọi ban đầu: Nhật ký Thu Đông. Tình cá nước gợi tình quân dân gắn bó thiết tha như máu thịt. Người lính xa nhà đi chiến đấu thấy ở nhân dân những ân tình ruột thịt, còn nhân dân thương bộ đội Cụ Hồ như mẹ thương con. Có phải vì thế chăng mà thơ của cha tôi có nhiều bài thơ nhớ về những người mẹ.
Đây người mẹ miền trung du bổ trái dừa cho đàn con uống đỡ cơn khát mệt trên đường dài. Hình ảnh mẹ hiền từ bưng bát nước “nhìn đàn con đông quá biết làm sao” đã để lại trong tâm hồn cha tôi những vần thơ chan chứa ân tình, tình mẹ, tình đời, tình non nước bao la:
                   Rễ dừa uống mạch thơm thiên cổ
                   Mạch nước non mình nước Việt Nam
                   Nước dồn căng trái qua tay mẹ
                   Đến với con yêu vệ quốc đoàn.

Bát nước dừa đầy vơi sóng sánh
                   Lấp loáng trời mây, lấp loáng thơ
                   Mai ngày trong nắng trong mưa
                   Hương cơm còn đậm hương dừa hậu phương
(Hương dừa)
Và đây người mẹ miền núi thức trong đêm sương giá rét, đốt ngọn lửa sưởi ấm cho đứa con trên đường hành quân bị quật ngã bởi cơn sốt rét rừng:
                   Tỉnh dậy bên tôi có mẹ ngồi
                   Làng bản thì xa trời tối rồi
                   Chẳng rời tôi mẹ thức thâu đêm
                   Lửa rừng mẹ đốt cho tôi sưởi
                   Thì gió sương nào chẳng phải im
(Lòng mẹ)
Ngày mai con lại ra đi chân cứng đá mềm, và rồi khi ngoảnh lại, thấy bóng mẹ hòa vào bóng núi, như chở che tiễn bước con đi. Lòng mẹ như nắng tỏa đầu non, sưởi ấm cho con trên đường đi chiến dịch:
                   Sáng sau qua sốt tôi đi tiếp
                   Ngoảnh lại bâng khuâng dọc lối mòn
                   Bóng mẹ xa dần… nhòa với núi
                   Mặt trời ấm áp đã trên non.
Bài thơ kết thúc thật cảm động. Không nói được cùng mẹ, không hiểu được lời mẹ, nhưng cảm nhận rõ hơn bao giờ hết lòng mẹ bao la, hiền hậu, nhân từ, vì mẹ là mẹ Việt Nam mà con đã gặp trên khắp nẻo đường đất nước:
                   Không biết tiếng nên tôi không biết
                   Tên mẹ, tên em, tên bản, tên làng
                   Chỉ biết quê mình đâu đâu cũng gặp
                   Nhân từ lòng mẹ Việt Nam.
          Sức mạnh của lòng dân đã truyền cho người lính một ý chí sắt đá, kiên cường để không bao giờ chịu lùi bước trước gian khổ, hiểm nguy.
Hành trình của cha tôi là hành trình của một người lính, cùng đồng đội, cùng nhân dân đi tới chiến trường lớn: Điện Biên Phủ.
Càng đi vào những trang thơ của cha tôi một thời trận mạc, tôi càng thấy rõ hơn những rung cảm cất lên từ thực tế khói lửa chiến trường và những vần thơ kết từ máu xương đồng đội.
Có dòng máu đỏ tươi nhuộm đường kéo pháo:                                                                                    Lỡ tay, núi chẳng kịp ngăn
                             Rừng không kịp giữ... lần lần pháo trôi
                                      Hiểm nghèo cắn chặt vành môi
                             Lấy thân chèn pháo máu tươi nhuộm đường
                                      Anh nằm đấy cũng thịt xương
                             Tìm đâu thấy thép trong đường máu trôi
(Tên đồi)
Anh chưa đến được Điện Biên Phủ. Trên con đường đưa pháo vào trận địa, đôi chân anh đã dừng lại giữa chừng. Anh nằm đó không xương đồng da sắt, nhưng dòng máu đỏ từ trái tim anh đã truyền chất thép cho đồng đội ngày mai trên khắp mọi chiến trường:
                                      Anh nằm xuống để chúng tôi
                             Pháo Tô Vĩnh Diện nơi nơi nổ dồn
                                      Tan tinh những bốt cùng đồn
                             Pháo tung hoa lửa mở đường quân lên.
Trên trang thơ cha tôi còn có dòng máu loang trên ngực áo anh Bế Văn Đàn trong trận Mường Pồn quyết liệt. Đôi vai anh đã thành giá súng cho đồng đội bắn trúng quân thù:
                             Đôi vai ấy chiều nay làm giá súng trung liên
                             Lấy tầm ngắm ngang tầm thế kỷ
                             Thắng giặc rồi vai vẫn còn nguyên
                             Chỉ có ngực máu loang hồng đất mẹ.
(Đôi vai)
Và đây trên "ngực núi Him Lam" còn mãi hình ảnh của anh, người đội trưởng dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai:
                             Ngực vừa căng nhựa thanh xuân
                             Mang chắn lỗ châu mai chở che đồng đội
                             Lồng ngực nhỏ bỗng hóa thành quả núi
                             Khóa tay, bưng mắt quân thù.

                             Tiếng thét xung phong nổ tung ngàn lá phổi
                             Lô cốt, hầm ngầm, đồn địch hóa tro than.
Đắp cho anh vừng cỏ quê hương
                             Mẹ Tổ quốc lại ôm anh vào ngực
                             Chưa được thấy cờ quyết thắng bay trên đồn giặc
                             Anh đã đi!
                             Nhưng có bao giờ mất
                             Bởi Him Lam: ngực núi vẫn căng tròn
 (Ngực núi Him Lam)
Cha tôi đã dựng trong tim bức tượng đài những con người bất tử, cho tôi hôm nay được hiểu nghị lực nào khiến các anh vượt lên tất cả mọi khó khăn gian khổ? Sức mạnh nào khiến các anh bất chấp mọi hiểm nguy? Và vì đâu các anh dám đối mặt với cái chết, dám chấp nhận sự hy sinh khi dòng máu thanh xuân còn đang tươi rói chảy trong mình? Bao đồng đội của cha tôi đã ngã xuống, tuổi thanh xuân mãi mãi nằm lại trên chiến trường khói lửa. Và còn có những mảnh đời tươi xanh đã mãi ngủ yên bên ngọn suối, lưng đèo. Nhưng với cha tôi, các anh là bất tử, vì cái chết của các anh đã gieo mầm cho sự sống ở ngày mai:
                                      Mất còn là lẽ tự nhiên
                             Mất đi mà để còn thêm vạn lần
                                      Mất như hạt giống nảy mầm
                             Thì như không mất ngàn năm cuộc đời.
Anh còn tất cả chúng tôi
                             Tên anh còn với tên đồi quê ta
(Tên đồi)
Ngày nay, ai lên A1, cũng dừng lại bên nấm mồ những người liệt sĩ vô danh, và thường chụp ảnh kỷ niệm trên tháp pháo của chiếc xe tăng bị ta diệt đêm 30 tháng 3 năm ấy. Tâm khảm của cha tôi khắc sâu những ngày đêm quyết tử và vĩnh viễn lưu lại giây phút hy sinh của người chiến sĩ anh hùng. Anh đã xông lên, chặn đứng xe tăng địch, rồi hy sinh can trường và dũng cảm như bao người lính đã ngã xuống trên mảnh đất này:
                             Thật diệu kỳ: đột ngột giữa mênh mông
                             Anh nhảy phăng lên như thuở bắt trâu lồng
                             Và chiến thắng, trước khi nhoài xuống đất
                             Bởi ruột xe tăng: vài ba thằng giặc
                             Còn ngực anh: đầy đặn một con tim
                                      (Những vì sao không có tên trong thiên văn học)
Với cha tôi, đêm 30 tháng 3 năm 1954 không chỉ là cái mốc của trận mở màn tấn công A1, mà còn là những khoảnh khắc dồn nén của bao mất mát đau thương, uất ức căm hờn, tạo nên sức mạnh của chất thép được tôi trong lửa đạn:                                      Ruột núi đã cháy khô đâu còn nước mắt
                             Nắm đất nơi này quá nửa là gang
                             Cả  yêu thương  cũng phải nhào với thép
                             Sự sống còn giành giật tấc gang.
Cha tôi cất giữ hình ảnh của anh trong sâu thẳm lòng mình. Hình ảnh cuối cùng về anh “Đôi mắt vẫn mở nhìn thăm thẳm, Môi mím chặt hẳn điều anh muốn dặn, Là đôi tay khẩu súng không rời” còn nghẹn lòng người đang sống hôm nay.
Anh đã ra đi vào cõi anh hùng vô danh, như một vì sao không bao giờ tắt:
                             Không họ, không tên, không dòng địa chỉ
                             Dẫu có muốn lục tìm thật kỹ
                             Cũng chỉ là ngơ ngẩn uổng công thôi.

                             Anh đã ra đi như một bóng sao trời
                             Không hề có tên trong thiên văn học
                             Vẫn ngời ngời sáng, vẫn long lanh
                             Vẫn đời đời rực rỡ với đêm xanh.
Gấp lại những trang thơ của một thời khói lửa, trong tâm trí tôi vẫn hiển hiện những con người đã ra đi với tình dân nghĩa nước, và mang cả trong mình sức mạnh truyền thống anh hùng của dân tộc bốn nghìn năm.
Cho đến hôm nay, những ai đứng trên mảnh đất này không thể nào quên trong lòng đất Điện Biên đã ẩn chứa biết bao nhiêu những viên ngọc quý, là tinh hoa của dân tộc kết tinh trong tinh hoa của một thế hệ anh hùng.
Người hôm nay cần phải sống sao cho xứng đáng, để khỏi hổ thẹn với quá khứ, khỏi uổng phí bao máu xương đã đổ để chung đúc nên chiến thắng huy hoàng.
Bức đài tưởng niệm của cha tôi về Điện Biên Phủ không thể không có những dòng trân trọng yêu thương nhất hướng về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam, Người nay đã ra đi nhưng mãi còn để lại chất kim cương rắn chắc cho đất nước muôn đời:
                             Có gì trong ruột Đồi A
                   Mà long lanh cứ như là kim cương
                             Đường về chân nhớ chân thương
                   Gió mưa càng trắng, nắng sương càng hồng
                             Bể đời đục đục, trong trong
                   Mường Phăng đấy, vẫn trong lòng  Điện Biên.

Tác giả: Phạm Thị Xuân Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay31,630
  • Tháng hiện tại795,194
  • Tổng lượt truy cập136,247,563
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi