banner

Tổ chức hoạt động lao động cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

Thứ tư - 10/07/2019 23:59
Dienbien.edu.vn- Như chúng ta đã biết hoạt động lao động là một loại hoạt động nhằm tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội, những giá trị vật chất và tinh thần cần thiết cho loài người.
Đó chính là hình thức hoạt động cơ bản của người lớn, nó đòi hỏi những điều kiện thể lực và tâm lý cao. Những phẩm chất tâm lý của người lao động chưa thể có được ở tuổi mầm non nhưng những tiền đề của chúng đang được hình thành ở lứa tuổi này. Việc hình thành những tiền đề cần thiết cho hoạt động lao động ở lứa tuổi mầm non lại được diễn ra theo con đường đặc biệt, chủ yếu ở bên ngoài việc thực hiện nhiệm vụ lao động.

Hướng dẫn trẻ vứt rác đúng nơi quy định, trường mầm non Hoàng Công Chất, huyện Điện Biên
Vai trò, tầm quan trọng của giáo dục lao động đối với trẻ mầm non
Trẻ mầm non rất dễ có hứng thú với lao động từ những việc đơn giản như thu dọn đồ chơi hay tự bỏ quần áo bẩn vào chậu hay đi giày dép, tự rửa ca… trẻ thường làm với thái độ rất tích cực. Trong các giờ học như hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, hoạt động học… ngoài việc tổ chức cho trẻ thu dọn dụng cụ học tập, lau dọn các góc chơi, các cô còn tổ chức cho trẻ nhặt rác ở bồn hoa, tưới cây, lau lá. Cô luôn tạo cơ hội cho trẻ tự lựa chọn và giải quyết những công việc trẻ thích. Qua hoạt động lao động tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và thích ứng với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, rèn kĩ năng lao động tự phục vụ cho trẻ ở trường mầm non là việc làm hết sức quan trọng vì lao động phục vụ bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng thúc đẩy trẻ hoàn thiện mình một cách tốt nhất, nó sẽ giúp cho trẻ hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức và tính tự lập sau này.
Trong việc rèn luyện kỹ năng lao động cho trẻ cũng cần lưu ý đến tâm lý của của trẻ. Thường thì trẻ rất thích được khen và sẽ không vui nếu bị chê. Do vậy, cô cần nhẹ nhàng, khoan dung với trẻ, không nên ép buộc, ra mệnh lệnh hoặc chê trách trẻ, mà hãy khen ngợi, động viên khi trẻ tự làm được một điều gì đó cho dù là rất nhỏ. Các bậc cha mẹ nên hình thành cho con thói quen làm tốt một công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy động viên để con hoàn thành công việc tới bước cuối cùng, hãy hướng dẫn chứ không làm thay mỗi khi trẻ gặp khúc mắc không tự giải quyết được và hãy kết thúc bằng một phần thưởng xứng đáng với những cố gắng của con, hãy nói với con những cố gắng đó có ý nghĩa như thế nào. Nên tạo cho trẻ niềm thích thú, say mê khi lao động. Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng khi công việc có phần đóng góp cao của bản thân và có trách nhiệm hơn với phần việc đó. Đây sẽ là động lực góp phần hình thành nhân cách con người ở trẻ, tạo nên những phẩm chất tốt đẹp như: Tính kiên trì, biết quý trọng thành quả lao động, biết thông cảm với những người lao động.

Hướng dẫn trẻ gói bánh, trường mầm non Thanh Luông, huyện Điện Biên
Các dạng lao động và nội dung lao động của trẻ
- Lao động tự phục vụ: là hình thức lao động nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày nhằm chăm sóc cho bản thân mình. Lao động tự phục vụ bắt đầu được nhận thức như một trách nhiệm, là sự bắt buộc.
 Ở trẻ mẫu giáo bé, hình thức lao động này rất vừa sức và hấp dẫn, tuy nhiên có những khó khăn (sự phát triễn các ngón tay và sự phối hợp giữa chúng chưa hoàn thiện ) nên dạy trẻ tự tắm, cởi quần áo... Quá trình hướng dẫn cho trẻ có được những thói quen văn hóa - vệ sinh phải rất tỉ mỉ, lâu dài.
 Ở trẻ mẫu giáo nhỡ, đã có những kĩ năng tự phục vụ đơn giản. Tuy nhiên cần củng cố những kỹ năng kỹ xảo đã có và hình thành các kỹ xảo phức tạp hơn như: bày bàn ăn, chuẩn bị cho giờ học, lau bụi kệ sách...
 Ở trẻ mẫu giáo lớn, nội dung phong phú hơn, mang tính chất thường xuyên và chuyển dần thành nhiệm vụ trực nhật. Các kỹ năng mới đưa vào như thu dọn giường nằm, sửa chữa đồ chơi... trẻ biết tự tổ chức các công việc và giúp đỡ các trẻ em nhỏ hơn có ý thức giữ gìn đồ vật.
- Lao động trong sinh hoạt: là hình thức lao động đi vào toàn bộ cuộc sống hằng ngày của trường mầm non.
Ở tuổi mẫu giáo bé: hình thành những kỹ xảo sinh hoạt sơ đẳng: giúp đỡ dọn bàn ăn, xếp gọn đồ chơi sau khi chơi...
 Ở tuổi mẫu giáo nhỡ : nội dung sinh hoạt được mở rộng hơn: trẻ hoàn toàn tự dọn bàn ăn, chuẩn bị mọi thứ cần thiết trong giờ học, quét sân... bằng các công việc cụ thể hình thành các thói quen kĩ xảo lao động, sinh hoạt.
 Ở trẻ mẫu giáo lớn: nội dung lao động phong phú hơn, mang tính chất thường xuyên và phần lớn chuyển thành nhiệm vụ cho trẻ trực nhật: trẻ giữ gìn sạch sẽ lớp học, dán lại sách vở, giúp đỡ các em nhỏ.
- Lao động trong thiên nhiên: là hình thức lao động cho trẻ tham gia chăm sóc cây cối và con vật, trồng cây ở góc thiên nhiên ngoài vườn, trong vườn hoa.
 Ở trẻ bé, khi lao động giáo viên gọi tên các cây, các bộ phận của chúng, các động tác trong lao động... việc đó làm mở rộng vốn từ cho trẻ.
Ở trẻ nhỡ: công việc phức tạp hơn, trẻ tự tưới cây, thu hoạch rau dưới sự giúp đỡ của giáo viên
Ở trẻ lớn: các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên và phức tạp hơn. Trẻ tưới cây bằng bình tưới, xới đất, bón thúc cho cây...giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa các hiện tượng trong thiên nhiên, ý thức trách nhiệm trong lao động được nâng cao.
- Lao động thủ công: là hình thức cho trẻ làm các đồ vật bằng các vật liệu khác nhau như bìa cát tông, giấy, gỗ, các vật liệu tự nhiên... Tiến hành ở các nhóm trẻ lớn, trẻ có thể làm đồ chơi như: con thuyền, cái nhà, xe ô tô... Giúp trẻ phát triển năng lực thiết kế, giáo dục trẻ nhiều phẩm chất, có như vậy mới hình thành cho trẻ hứng thú và sự say mê trong lao động sáng tạo.

Hướng dẫn trẻ chăm sóc rau, trường mầm non Núa Ngam, huyện Điện Biên
Những hình thức tổ chức lao động cho trẻ
- Giao nhiệm vụ: Nhiệm vụ lao động là công việc cụ thể mà trẻ được giao và phải hoàn thành một mình hoặc cùng với các bạn. Giao nhiệm vụ là hình thức tổ chức lao động đơn giản nhất cho trẻ.
Ở trẻ bé: nhiệm vụ có tính chất cá nhân và cụ thể, đơn giản.
Ở trẻ nhỡ: số nhiệm vụ tăng lên đáng kể, rèn luyện kĩ năng trở nên bền vững và làm phong phú thêm kinh nghiệm tham gia lao động của trẻ.
Ở trẻ lớn: các nhiệm vụ cá nhân được đặt ra trong các hình thức lao động mà trẻ chưa có kĩ năng hoặc phải học kĩ năng mới. Đó là hình thức tập thể, theo nhóm buộc trẻ phải có sự tổ chức, phân công với nhau (cùng dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi, các công việc ở vườn trường...).
- Trực nhật: là hình thức lao động đòi hỏi trẻ hoàn thành các nhiệm vụ nhằm phục vụ tập thể. Đây là hình thức phức tạp hơn so với giao nhiệm vụ.
- Tổ chức lao động tập thể: Ở nhóm trẻ lớn có nhiều khả năng tổ chức lao động tập thể cho trẻ (quét dọn phòng học, thu hoạch rau quả, trang trí lớp học...) có các hình thức lao động chung và lao động phối hợp.
Giáo dục lao động đối với trẻ mầm non không chỉ là nhiệm vụ của các cô giáo trong trường mà đồng thời phải từ chính gia đình trẻ.Trong thời đại hiên nay, các gia đình cũng bằng cách này cách khác để giáo dục trẻ yêu lao động, nhưng con trẻ vẫn ngại làm việc hoặc chỉ thực hiện các nhiệm vụ một cách miễn cưỡng. Để con hứng thú với lao động thì đầu tiên bố mẹ hãy là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Bên cạnh đó thì việc trẻ ở trường các cô giáo phải tạo cơ hội cho trẻ làm quen với lao động từ những việc đơn giản từ những hoạt động cá nhân hay tính lao động tập thể để trẻ có thói quen biết lao động và yêu lao động./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập223
  • Máy chủ tìm kiếm45
  • Khách viếng thăm178
  • Hôm nay26,473
  • Tháng hiện tại711,144
  • Tổng lượt truy cập137,062,957
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi