Nhà giáo nhân dân ở tuổi 95
GS Lê Quang Long nhận danh hiệu từ Chủ tịch nước
Trong lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2014, những người có mặt không khỏi xúc động khi chứng kiến hình ảnh người thầy với mái tóc bạc trắng nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân khi đã 95 tuổi.
GS.TS Lê Quang Long được biết đến là người thầy tiêu biểu trong thế hệ giáo viên đầu tiên ở các cấp trung học dưới chế độ mới. Những cựu học sinh của thầy Lê Quang Long tại các trường trung học sau này đều trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự và khoa học, nhà giáo dục thành đạt.
Nhiều sinh viên của thầy đã trở thành những nhà khoa học Sinh học đầu ngành, công tác tại những trung tâm khoa học lớn của đất nước…
Thầy đã có hàng loạt những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng và những đóng góp lớn cho giáo dục Việt Nam và cả nước bạn Campuchia
Thầy hiệu trưởng nhảy hip hop trong lễ khai giảng
Thầy Nguyễn Quốc Bình nhảy hiphop và beatbox trong lễ khai giảng năm học mới
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - còn được học trò gọi là “Thầy giáo lắm chiêu”. Trong lễ khai giảng năm học 2014 - 2015, "món quà bất ngờ" - màn nhảy hip hop và beatbox tưởng như chỉ hợp với giới trẻ - đã được thầy Quốc Bình thể hiện một cách thoải mái, dí dỏm và rất tự nhiên trên sân khấu của nhà trường.
Màn biểu diễn này đã thêm một lần nữa giúp thầy Bình ghi điểm trong lòng học trò.
“Thầy giáo cũ” trong bài văn điểm 10
Thầy Nguyễn Văn Tâm
Em Vũ Phương Thảo hiện là học sinh trường THPT Định Hóa (Thái Nguyên), đã có bài văn xúc động về thầy giáo cũ của mình.
Đó là thầy Nguyễn Văn Tâm, nay đã nghỉ hưu, trước là giáo viên dạy Toán (Trường THCS Chợ Chu) đang sống bình dị tại thị trấn Chợ Chu, Định Hoá, Thái Nguyên.
Người thầy tự nhận chưa bao giờ đuổi, đánh, trừng phạt hay xúc phạm học trò. Với quan niệm làm nghề cự kỳ đơn giản: Tôi làm nghề thì cứ thế thôi, cứ say sưa với nghề. Thấy học sinh học khá là vui, là phấn khởi.
Những nhận xét của thầy đáng để các thế hệ giáo vêin trẻ suy ngẫm: Xã hội phát triển lên, giáo viên bây giờ lại thấy mình khó, nhưng so với trước quá đảm bảo….
Bây giờ thầy cô giáo nào tâm huyết sẽ có điều kiện để phát triển nghề nghiệp, tập trung chuyên môn hơn. Còn thầy cô nào không tâm huyết sẽ giống như những người ngày xưa không tâm huyết thôi.
Cô giáo vùng biển nhận thư khen của Chủ tịch nước
Một giờ dạy học của cô Nguyễn Thị Thông
30/11/2014, cô giáo Nguyễn Thị Thông vinh dự được chọn là 1 trong 3 giáo viên tiêu biểu cả nước được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi vì những thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Thông nguyên là Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Lộc 2 (Hậu Lộc, Thanh Hóa) và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1997.
Năm 2001, cô Thông nghỉ hưu theo chế độ nhưng ngay năm 2002, cô Thông đã xin chính quyền xã được mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà và không thu học phí.
Trong suốt 12 năm qua, cô Thông đã tận tâm giúp đỡ hàng trăm học trò nghèo vùng biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Cô đã trở thành người bà, người mẹ, người thầy của lũ trẻ nghèo lam lũ ở cái xã nghèo bãi ngang hứng chịu nhiều bão lụt nhất tỉnh Thanh Hóa.
Nhà giáo ưu tú trẻ nhất Việt Nam
Cô Mai Thị Thắm chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú tối 13/11
Với 34 tuổi đời, 17 năm tuổi nghề, cô Mai Thị Thắm - Giáo viên trường Tiểu học An Lộc B (thị xã Bình Long, Bình Phước) là người trẻ tuổi nhất được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2014.
Làm nghề giáo từ năm 17 tuổi, cô Thắm đã bước qua những lo sợ, hồi hộp, khó khăn ban đầu để gắn bó với bục giảng, với học trò. Cô luôn tự đổi mới, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với mỗi học sinh.
Thầy giáo điều tra về việc học sinh nấu cơm, rửa bát
Thầy Trần Đình Trợ
Đó là thầy Thầy Trần Đình Trợ - Giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh).Người thầy giáo 59 tuổi này “ghi điểm” bởi cuộc khảo sát nhanh ở quy mô nhỏ về hiểu biết của trò về các kỹ năng sống của học trò.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến học sinh thiếu kỹ năng sống, thầy Trợ cho rằng đầu tiên phải kể đến là khối lượng kiến thức chương trình học ở trường quá lớn, học sinh phải dồn toàn lực học văn hóa mà quên mất những việc khác.
Thứ hai, do phụ huynh cứ nghĩ cho con vào đại học đã, còn mọi thứ tính sau. Nhưng khi vào đại học rồi thì đã quá muộn, bởi kỹ năng sống là sự tích lũy từ nhỏ chứ không phải rèn luyện ở giảng đường.
Theo: Vietnamnet
TCCB: Sưu tầm