Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án là từ năm 2009, thí điểm dạy ngoại ngữ theo chương trình 10 năm ở bậc phổ thông và tăng cường dạy ngoại ngữ cho các cơ sở đào tạo. Môn Ngoại ngữ được thí điểm sử dụng làm môn học chính thức từ năm học lớp 3.
Để thực hiện tốt Đề án Ngoại ngữ 2020, trước tiên là phải chú trọng đến việc đào tạo, nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên. Song song với đó là hoàn thiện bộ sách giáo khoa từ cấp Tiểu học đến THPT và nâng cấp về cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia tư vấn thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 cho hay một trong những khó khăn hiện tại đó là:
Việc biên soạn SGK Ngoại ngữ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu
Ảnh minh họa ( Nguồn Internet).
Trong quá trình thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, nhiều giáo viên cho rằng, muốn nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cần có những bộ sách giáo khoa (SGK) đạt chuẩn với đầy đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, hiện nay việc biên soạn SGK Ngoại ngữ chỉ đang thực hiện theo hình thức cuốn chiếu (viết dần dần) chứ không đồng loạt biên soạn cùng một lúc. Việc thay đổi SGK Ngoại ngữ từ lớp 3 cho đến lớp 12 là cả một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không thể thay đổi bột phát được. Khi thay đổi SGK Ngoại ngữ phải có quá trình thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi hoàn thành để phát hành chính thức. Hơn nữa, nếu như việc biên soạn SGK Ngoại ngữ chỉ thực hiện một cách cuốn chiếu, những học sinh đang được học SGK mới nhưng năm sau lên lớp cao hơn chưa có sách thì buộc các em vẫn phải học theo SGK cũ do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm phát hành. Đến khi Bộ GD-ĐT đưa ra các tiêu chí cụ thể cho SGK Ngoại ngữ mới ở những lớp học tiếp theo thì lúc đó có thể tiến hành biên soạn được.
Bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên
Hiện nay, chất lượng giảng dạy Ngoại ngữ ở các địa phương còn có sự chênh lệch lớn. Trình độ giảng dạy của giáo viên ở mỗi nơi cũng khác nhau. Thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, từ vài năm nay, Bộ GD-ĐT và các địa phương đã có những lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ cho giáo viên. Sau quá trình bồi dưỡng, các giáo viên sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra, rà soát của địa phương. Tuy nhiên, việc nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên Ngoại ngữ trên toàn quốc với số lượng lớn không phải là dễ dàng trong vòng một vài năm có thể thực hiện được. Việc đưa một số giáo viên đi học, tập huấn ở nước ngoài cũng gặp vướng mắc vì còn phụ thuộc vào công việc, cuộc sống của họ. Ngoài ra, việc biên soạn, đổi mới chương trình sách giáo khoa Ngoại ngữ từ cấp Tiểu học đến THPT không phải nhanh chóng thực hiện trong một vài năm.
Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy
Một yếu tố cũng rất quan trọng đó là điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy Ngoại ngữ còn rất thiếu thốn. Nếu như các tỉnh, thành phố lớn có thể xoay sở được thì những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa phải chờ đợi, phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Nhà nước./.