banner

CHVH - PABLÔ NÊRUĐA: BÀI HỌC VỀ SỨ MỆNH NHÀ THƠ

Thứ sáu - 01/02/2019 02:35

Nhà thơ Chi lê Pablô Nêruđa (1904 - 1973) vĩnh biệt thế giới này đã vừa tròn 45 năm. Cũng vừa tròn 90 năm qua, ông đã đến nước ta lần đầu tiên năm 1928. Chuyến đi ngắn ngủi nhưng đã lắng đọng một ấn tượng sâu sắc trong một bài thơ ông viết.

Bài được đặt tên "Đó là ở Việt Nam năm 1928":
          Người yêu ơi! Anh hát lại câu chuyện này với em
          Bởi vì bài học cho con người diễn ra không kể lạ lùng y phục:
          Ở nơi xa ấy, trong anh, đã dựng lên những nguyên lý của bình minh sáng rực
          Ở chốn kia, lương tri của anh đã mở ra cho tình hữu ái của những con người
          Đó là ở Việt Nam, Việt
Nam trong năm một nghìn chín trăm hai tám.
                                                                             (Xuân Diệu dịch)

Tình cảm tốt đẹp đó, chúng ta biết, tất nhiên đã chỉ được nảy sinh trong một niềm cảm thông sâu sắc giữa con người của hai dân tộc cùng có điểm chung trong những buồn vui sướng khổ của cuộc đời, và cùng chung một khát khao kỳ vọng là Tự do, Hạnh phúc cho con người:

                              Ta xin nguyện với mọi người chung thủy
                              Vì niềm vui đâu phải cho riêng ta...
                              ... Có mọi người
                              Ta mới có niềm vui
                              Ta phải sống để làm tròn sứ mệnh
                              Đem niềm vui tỏa ánh khắp gần xa
                              Bằng lời ca ta thể hiện đời ta!
                                                                             (Ca tụng niềm vui, 1954)

Sinh trong một gia đình trí thức, bố là kỹ sư, nhưng cũng như ở ta thời thuộc địa, Nêruđa lớn lên giữa đất nước Chi lê nghèo khổ, từng trải nghiệm qua bao cảnh ngộ bất công giàu nghèo, bởi đại bộ phận tài nguyên quốc gia đều nằm trong tay giới chủ tư bản và bọn tài phiệt nước ngoài. Chính quyền thống trị bị nằm trong tay chi phối của quyền lực Hoa Kỳ. Các cuộc đấu tranh bị dập tắt trong tù đầy và những cuộc tàn sát đẫm máu, gieo vào lòng Nêruđa thời trẻ nhiều nỗi uất hận day dứt.
         
Vốn nhạy cảm nhưng bất lực, nên mọi nỗi buồn cô đơn cứ len lỏi vào tâm can nhà thơ trẻ. Ông đã từng trải qua thời kỳ viết như những nhà thơ lãng mạn Việt
Nam viết thơ Điên, thơ Say. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng bi quan lãng mạn buồn đời trong thi ca Pháp và Tây Ban Nha, Nêruđa buổi đầu đã viết những vần thơ ảo não, chán chường, mất phương hướng:

                             Đêm nay đây, tôi có thể viết những câu thơ buồn tẻ nhất
                             Khi nghĩ rằng tôi đã mất nàng
                             Khi cảm thấy tôi đã mất nàng
                             Nghe đêm tối mênh mông quá đỗi.

Mãi đến khi tốt nghiệp Đại học Santiago, Nêruđa bước vào ngành ngoại giao, từng công tác tại Miến Điện rồi Madrid (Tây Ban Nha) làm lãnh sự (1934 - 1937), trực tiếp chứng kiến cuộc chiến tranh của Mặt trận Bình dân chống bè lũ phát xít Franco (1936) để bảo vệ nền cộng hòa Tây Ban Nha, thì một cảm xúc mới lạ, mãnh liệt mới chiếm lĩnh tâm hồn nhà thơ.
         
Cũng chính ở đây, ông đã được gặp gỡ, kết thân với các nhà văn tiến bộ như Henri Barbusse (Pháp), Hemingway (
Cuba, giải Nobel), Octavio Paz (Mêhicô, giải Nobel) và Êrenbua (Liên Xô).
         
Nêruđa từ đó đã có bước ngoặt quyết định trong thế giới quan:
         
"Ở Tây Ban Nha, tôi đã hiểu ra rằng những người chiến sĩ chống phát xít chân chính nhất, có tổ chức nhất, là những người cộng sản, và tôi đã quyết định gia nhập Đảng Cộng sản".
         
Về sau, khi được tặng giải Nobel văn học (1971), Nêruđa đã nói rõ hơn khi trả lời một cuộc phỏng vấn:
         
"Tôi bắt đầu thành người cộng sản ở Tây Ban Nha... Phần chủ yếu nhất trong cuộc đời chính trị của tôi đã trải qua trên đất nước này... Điều này cũng giống như nhiều nhà văn khác. Cuộc kháng chiến vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít như cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, đã thu hút chúng tôi. Và sau đó, những trải nghiệm hóa ra đã lớn hơn nhiều đối với tôi"
         
Một cách nhìn mới bừng sáng trong tầm mắt nhà thơ, và ông tâm sự với người đọc:                      

                             Bạn sẽ hỏi sao thơ tôi
                             Không nói đến mộng mơ hoa lá?
                             Không nói đến những núi lửa hùng vĩ
                             Của đất nước quê hương?
                             Hãy đến xem, máu chảy trên đường!
                             Hãy đến xem máu chảy
                             trên đường
                             Hãy đến xem máu chảy
                             trên đường!

         
Giữa lòng Tây Ban Nha, trong máu lửa, nhà thơ cảm nhận sâu sắc sứ mệnh thiêng liêng của người chiến sĩ cầm bút, không thể chỉ ủ rũ u sầu trong những khao khát nhỏ nhặt, riêng tư. Lòng ông quặn đau khi biết rõ, ở trong nước, những anh em,  bà con, họ hàng đang sống trong đói khổ. Khát vọng lớn lao nhất, phải là lòng mong muốn đấu tranh cho một Chi lê không có đói rách, không có bóc lột, không có bất công:

                             Khi Tổ Quốc vẫn còn hoen ố
                             Vì bao nhiêu tội ác tràn đầy

         
Ý thức trách nhiệm của người công dân khiến nhà thơ cất lên tiếng lòng gắn bó với những người dân lao động đang khổ đau trên đất nước Chi lê và ở khắp cả châu Mỹ latinh:

                             Những đau khổ của nhân dân
                             Đã xuyên thẳng lòng tôi
                             Và bám chặt lấy tôi
                             như dây thép gai của tâm hồn

         
Dù sống bất kỳ ở đâu, lòng yêu nước vẫn tràn trề, tình gắn bó với nhân dân vẫn thắm thiết:

                             Tôi yêu đến tận cùng gốc rễ
                             Quê hương tôi nhỏ bé lạnh lùng
                             Nếu như tôi phải nghìn lần chết
                             Tôi nguyện chết ở quê hương tôi đó.          

Và rồi, trên thực tế, sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, ông đã trở về quê hương, sắt son với đồng bào, tham gia tổ chức cách mạng bí mật. Bị truy lùng ở khắp nơi bởi chính quyền phát xít ở trong nước, sau nhiều năm tranh đấu bí mật, ông đã phải ra nước ngoài, sống lưu vong ở nhiều nước Âu, Á từ 1949 đến 1952. Điều đáng quý, là ở đâu đâu, ông cũng được nhân dân che chở, đùm bọc - nhà thơ càng thấm thía tình cảm giai cấp, tình cảm quốc tế:

                             Tôi đã qua bao nhiêu cánh cửa
                             của người này lại của người kia
                             Tôi đã qua biết mấy bàn tay
                             của người này chuyển sang người khác
                             ... và tôi nghĩ: Mình ở đâu?
                                                  Họ là ai thế?
                             những người xưa nay chưa từng gặp bao giờ
                             sao họ đón chờ và bảo vệ thơ tôi?
          Và ông đã ngộ ra:
                             Tôi cũng là dân như tất cả mọi người
                             Tôi là anh em của tất cả
                             Tôi nhận rõ rồi, tôi hát tôi ca
                             Hãy gọi đến tôi, khi bạn cần đến tôi
                             Tôi là nhà thơ, con của những người nghèo
                             Là cha, là bác, là em họ, em ruột
                             Là em rể của những người nghèo sống bên bờ sông
                             Và của những người nghèo sống trên đỉnh núi
         

Những vần thơ ta nghe như thực sự là hòa âm với những vần thơ Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu:

                             Tôi đã là con của vạn nhà
                             Là em của vạn kiếp phôi pha
                             Là anh của vạn đầu em nhỏ...
         

Từ những vần thơ thép, Nêruđa khẳng định chức năng của thơ ca không phải là như ở các xu hướng tiêu cực, suy đồi, theo kiểu các nhà thi sĩ trên trời:

                             Các anh trốn, chẳng làm chi, tất cả
                             Các anh đi tìm những mái tóc thần tiên.
         

Ngày nay, ở Việt Nam ta, trong giới sáng tác, vẫn còn không ít người tự huyễn hoặc rằng thơ ca "phải khó hiểu, phải bí hiểm mới hay", họ tự viết những lời ca nhố nhăng như kẻ điên rồi lớn tiếng ngụy biện rằng những câu thơ hũ nút, bí hiểm mới là những câu thơ hay nhất, đẹp nhất, mới là "nghệ thuật"!
         
Nêruđa đạt tới danh hiệu cao quý, giải Nobel văn chương, sau khi đã từng trải nghiệm nhiều trường phái thơ, từ thơ hũ nút bí hiểm, đến thơ lãng mạn suy đồi, thơ ấn tượng siêu thực, cuối cùng mới vươn tới được những dòng thơ hiện thực lạc quan cách mạng. Ông đã viết rằng:
        
  "Tôi đã phải cố gắng rất nhiều để từ bỏ cái tối tăm bí hiểm và tìm đến cái sáng sủa rõ ràng, bởi vì đối với chúng ta, cái tối tăm bí hiểm trong tiếng nói đã trở thành một đặc quyền của tầng lớp văn nghệ sĩ".

 Ngoảnh lại quá khứ, một thời sống lạc hướng, ông không thể không có lời sám hối:

                             Ta đã trót nghe những lời nông nổi
                             Đã phũ phàng dằn dỗi với niềm vui
                             Ta đã để cho trăng mờ dẫn lối
                             mang đôi kính
                             của những người thơ cũ...
        

 Ngày nay, không còn vấn vương với những rào cản vô hình, nhận rõ được con đường phía trước, đi với nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân, ông khẳng định:

                             "Ta phải sống để làm tròn sứ mệnh
                             Đem niềm vui tỏa ánh khắp gần xa"
          "Tôi là một nhà thơ, tôi sẵn sàng chiến đấu bằng tất cả những gì tôi có trong tay, kể cả ngòi bút của tôi".          

Và đúng như lời tuyên ngôn ấy, ông đã viết một tác phẩm thơ đồ sộ, gồm hàng vạn câu thơ với tựa đề Tiếng hát cho mọi người (Canto General) gồm 15 chương, là một bản nhạc hùng tráng được coi như một bộ bách khoa toàn thư bằng thơ về cuộc sống, chiến đấu của đất nước nhân dân Chi lê và châu Mỹ latinh, là bức tranh sinh động muôn màu, bản hùng ca sử thi với những cảnh sinh động về cuộc sống lầm than của thợ mỏ dưới hầm sâu, của lớp nô lệ qua bao thế kỷ sống mòn và chết mòn trong các đồn điền cao su mênh mông của các ông chủ tư bản độc quyền bóc lột con người đến tận xương tủy, và cao đẹp hơn cả là hình tượng các chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho tự do và quyền sống của nhân dân lao động Chi lê và giai cấp vô sản Mỹ latinh.

Những dòng thơ của Pablô Nêruđa có sức gợi cảm mãnh liệt, góp phần thức tỉnh lương tri con người đứng lên đấu tranh cho công bằng xã hội, vì hạnh phúc và phẩm giá của chính con người.
         
Các tác phẩm đạt tới đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn tích cực dắt tay người ta tránh xa mọi quyến rũ ích kỷ tầm thường, để vươn tới một cuộc sống lành mạnh, trong sáng, xứng đáng với con người:

                             Tôi đã ký một ân tình cùng cái Đẹp
                             Tôi đã ký một giao kèo xương máu với nhân dân

         
Bên cạnh những vần thơ rực lửa đấu tranh, ông cũng có một số tác phẩm thơ sử dụng đề tài về cuộc sống đời thường với những tâm tư tình cảm riêng tư như tập "Chùm nho và cơn gió" (Las uvas y el viento)
         
Đặc biệt với Việt Nam chúng ta, Pablô Nêruđa đã dành nhiều tình cảm cao đẹp. Năm 1970, ông ủng hộ chính thể xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Agienđê , người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
         
Trong diễn văn chuẩn bị tranh cử Tổng thống năm 1970, ông đã viết:
          "Ngày nay, chủ nghĩa anh hùng mới của Việt Nam và Cuba đang sáng ngời trong thơ tôi".
         
Đến năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris vừa được ký kết ngày 27.1.1973, ông đã viết bài thơ nhan đề: "Hòa bình, không phải cái hòa bình của nó":
                             Đây là hòa bình của một đất đai chảy máu
                             đã cho thế giới được phủ đầy cành nguyệt quế vinh quang
                             do máu đổ tạo nên!
                             Đây là chiến thắng của Hồ Chí Minh đã khuất
                             Cái chiến thắng bắt Nichxơn tay bê bết máu
                             Phải ký nhận nền hòa bình của những người quý giá tuyệt vời!
         
Tập thơ cuối cùng của ông nhan đề Lời thúc giục tiêu diệt Nichxơn và Khúc hát ngợi ca cách mạng Chi lê xuất bản năm 1973 được ví như một loạt đại bác bắn vào kẻ thù của Việt Nam và của loài người tiến bộ.
         
Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác phong phú của ông là một bài học lớn cho mọi thế hệ: bài học về sứ mệnh của nhà thơ và chức năng của văn chương nghệ thuật.
         
Với Nêruđa, thơ là ngôn ngữ chung của các dân tộc, vì một mục tiêu cao cả: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho mỗi con người (1).

Chú thích
(1) Những đoạn trích dịch thơ trong bài là rút ra từ cuốn sách Thơ Pablô Nêruđa,  Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1974, tập hợp của nhiều dịch giả.
                            
                            


         

Tác giả: TS Phạm Thị Xuân Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập461
  • Máy chủ tìm kiếm156
  • Khách viếng thăm305
  • Hôm nay27,020
  • Tháng hiện tại665,926
  • Tổng lượt truy cập137,017,739
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi