Ngược về thời gian 60 năm trước, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, với tấm lòng, tình cảm thiết tha dành cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc hơn 500 thầy cô giáo Đoàn Giáo viên 59 đã bỏ lại cuộc sống yên ấm ở miền xuôi “Bỏ lại sau lưng một mái trường/ Một đôi mắt biếc của người thương/ Một cánh đồng xanh, một nẻo đường” (Lên Miền Tây - Lê Hữu Thảo), ngày đêm vượt dốc, băng đèo, khắc phục bao khó khăn gian khổ đem theo cái chữ, ánh sáng văn hóa thắp lên khắp các bản làng xa xôi hẻo lánh đang chìm đắm trong nghèo nàn, lạc hậu của tỉnh Lai Châu - Điện Biên. Biết bao khó khăn đã phải vượt qua “Ba lô trên vai nặng trĩu/ Anh leo núi cõng chữ về/ Mở lớp trên nương/ Khắc chữ trên cây/ Treo chữ trên lá/ Viết chữ trên vách đá…”(Gieo chữ trên non - Phạm Thị Tuấn Anh). Phần lớn các thầy cô trong đoàn Giáo viên 59 đã dành trọn tuổi thanh xuân hoặc cả cuộc đời, có những người đã hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp “Trồng Người” nơi đây. Họ trở thành “Những chiến binh không bồng súng/ Cầm phấn trắng trên tay/ Vạch mây đen bọc dày trời Tây Bắc/ Bằng những trái tim hồng” (Những chiến binh cầm phấn - Phan Hoa Đông). Họ đã dành trọn tình thương yêu cho các em học sinh dân tộc ít người, kiên trì, bền bỉ dạy các em kiến thức làm người... Hồi kí Trường kí túc xá Mường Lay – những năm tháng không thể nào quên của cựu học sinh Mùa Thị Mỷ đã nói lên điều ấy.
Những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cũng giống như ở miền xuôi, trường học ở Lai Châu - Điện Biên cũng bị máy bay Mỹ ném bom hủy diệt. Mặc dù “Bom rơi máu chảy khôn cầm nỗi đau” nhưng thầy trò vẫn kiên cường dạy và học “Trường đi theo bước chân người/ Đêm đêm vẫn thức vợi lời… năm canh” và ở nơi sơ tán trong rừng sâu “Tiếng trò vẫn ấm mái tranh/ Lúa đồng vẫn trả Mường Thanh thung vàng” (Trường cấp3 Điện Biên- Nguyễn Mai Phương).
Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Lai Châu- Điện Biên trở thành tuyến đầu chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc. Mặc cho chiến sự xảy ra ác liệt, lũ giặc tàn sát dã man, các thầy cô giáo vẫn kiên cường bám trường bám lớp “Thử thách lớn lao này không một ai vắng mặt/ Lửa học bài đêm đêm vẫn thắp (..)/ Trong bom đạn mịt mùng/ Tiếng trống trường rung” (Tiếng trống trường rung - Đào Nam Sơn).
Chiến tranh biên giới kết thúc, nhưng đất nước lại bị cấm vận, cùng với cán bộ công chức cả nước, giáo viên Lai Châu – Điện Biên lại tiếp tục vất vả vật lộn với cuộc sống khó khăn của thời kì bao cấp. Trong thử thách ngặt nghèo của cuộc sống, họ vẫn yêu nghề, vẫn miệt mài với các hoạt động chuyên môn, vẫn say sưa truyền dạy kiến thức khoa học và những bài học làm người, góp phần chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa hơn của bao thế hệ học sinh ở nơi cuối trời Tây Bắc… như trong bài viết “Lương giáo viên thập niên 80” của nhà giáo Lê Mai.
Các nhà giáo được nói tới trong tập sách khi ấy còn rất trẻ, phần lớn mới rời trường sư phạm đã vượt qua mưa bom bão đạn trên đường thiên lí từ Hà Nội lên Lai Châu dạy học trong ghi chép Một chuyến đi tìm thầy giáo cho tỉnh Lai Châu dưới làn bom đạn Mỹ của nhà giáo Đào Lưu. Công việc khó khăn đầu tiên mà họ phải làm là “Tuyển sinh đưa đón học trò (…)/ Hơn tháng lặn lội cả vùng/ Sá gì đèo suối ngại ngùng mưa sa” (Góp chuyện trường tôi - Thái Vinh), chấp nhận cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh “Lợn kêu ủn ỉn quanh giường ngủ/ Bọ chó mạt gà cắn ngứa ran” (Vùng cao ngày ấy- Phan Vũ Lân) hoặc “Trèo đèo, lội suối, nắng mưa/ Gói cơm ống nước đỡ khi đói lòng” để “Dạy đàn con trẻ ngây thơ/ Vẽ lên con chữ đón chờ tương lai” (Ngập tràn niềm vui- Nguyễn Thị Lâm Hảo). Nhiều cô giáo trẻ đã “Xa gia đình, lỗi hẹn với tình yêu/ Xa thành phố, làm cô giáo bản” (Cô giáo vùng cao- Hoàng Thị Dịu ). Phần lớn trong số họ đã dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp Trồng Người nơi vùng cao gian khó. Các cô giáo sau nhiều năm cắm bản đã phải chấp nhận những mất mát, thiệt thòi không gì đong đếm khi “…đi qua một thời thiếu nữ/ Gửi niềm yêu xao xác cánh rừng/ Những vết chân chim về trong khóe mắt/ Quên thật rồi gương lược phấn son” để mang “Sắc nắng mùa xuân” về với bản làng rẻo cao xa xôi (Em đã đi qua - Nông Thị Lý).
Họ trăn trở tìm cách dạy như thế nào cho hiệu quả với những đối tượng học sinh khác nhau trong lớp ghép – một loại hình dạy học đặc thù của miền núi “Học trò ngồi trong lớp của em/ Nửa mới học vần/ Nửa vào tập đọc/ Tấm bảng chia đôi cho đất lành/ nhiều lứa măng cùng mọc/ Giáo án lật bên này trở lại bên kia” (Điểm hồng trên núi - Đào Nam Sơn ); với từng trang giáo án được soạn mỗi ngày “ Cách giảng nào hay cho những bài toán khó/ Những bài văn nào trò viết còn dang dở/ Cho bụi phấn rơi... năm tháng bạc mái đầu” (Tâm sự nhà giáo vùng cao - Đinh Hồng Nhung).
Họ chia sẻ với các em học sinh ở vùng cao những thiếu thốn, nhọc nhằn bằng tình thương yêu vô bờ bến “Bàn tay cô nhóm ngọn lửa hồng/ Rồi tặng em đôi dép tổ ong/ Ôi lớp học ân tình sao chan chứa/ Bàn chân trần đã ấm giữa trời đông” (Đôi dép mùa đông- Bùi Quang Huy). Nhiều thầy cô “ Thương lũ trẻ mình trần chân đất/ Vẫn vô tư cắp sách đến trường/ Suất lương mỏng em dành mua quần áo/ Cho lũ học trò bớt lạnh sớm mùa đông” (Em đã đi qua – Nông Thị Lý)
Trong cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, các thầy giáo đã nhận được tình thương yêu chân thành, mộc mạc của đồng bào các dân tộc nơi đây như trong chuyện Cúng ma chữa bệnh cho thầy giáo mà nhà giáo Đinh Văn Mâu đã kể. Họ đã ngày càng thêm yêu phong tục tập quán của các dân tộc vùng cao cũng như cảnh đẹp nên thơ của núi rừng Tây Bắc “Hoa ban nở nghiêng trời đau đáu/ Mái nhà sàn nâng chim én chim sâu/ Ruộng nương ươm vòng tay xòe Thái/ Giọt mưa nguồn ngây ngất Lai Châu” (Đến Lai Châu - Vũ Văn Huỳnh) hoặc “Đất trời man mác sắc xuân/ Non cao nắng ấm tan dần sương mai/ Bồng bềnh mây trắng khẽ cài/ Đào hồng thắm một dải dài biên cương/ Vui sao bản nhỏ yêu thương/ Lửa hồng bánh nếp thơm hương rượu nồng” (Xuân biên cương- Mạc Đích).
Trong ghi chép Tình người Lai Châu, nhà giáo Nguyễn Văn Tưởng kể chuyện thầy giáo anh hùng Nguyễn Văn Bôn những ngày dạy học ở Mù Cả (Mường Tè). Thầy Bôn cùng các thầy cô giáo ở Mù Cả, ngày ngày lên lớp, đến bữa thì ăn ở nhà dân. Cả bản luân phiên hết nhà này đến nhà khác nấu cơm cho các thầy cô. Nhà có trò cũng như là không có trò đều xác định việc chăm nuôi các thầy như là một nghĩa vụ thiêng liêng. Những nghĩa cử cao đẹp như vậy hỏi ngòi bút văn chương nào có thể ghi hết?
Phải chăng, tình thương yêu gắn bó với Đất và Người Tây Bắc đã tiếp thêm cho các thầy cô giáo sức mạnh để vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành sứ mệnh Trồng Người vẻ vang ở nơi đây. Để rồi khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê nhà dưới xuôi, họ vẫn đau đáu nhớ thương mảnh đất này “Dẫu biết rằng ngày ấy đã xa xôi/ Tôi vẫn muốn được về bên lớp học/ Mái tranh thưa ghế tre, bàn mộc/ Ôm trong lòng lũ trò nhỏ ngày xưa” (Gặp lại - Kim Nhũ).
Có thể coi CÕNG CHỮ LÊN NON là biên niên sử bằng thơ, văn về quá trình phát triển của giáo dục Lai Châu- Điện Biên.. Trong tập sách, có bài, có đoạn chưa đạt tới tiêu chí văn chương nhưng tất cả đã chung sức vẽ nên một bức tranh sống động của một thời, của nhiều thế hệ những người làm nghề dạy học ở miền núi Tây Bắc nhiều gian khó.
Đọc CÕNG CHỮ LÊN NON, chúng ta thấy tự hào hơn về những đóng góp thầm lặng của các thế hệ nhà giáo đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội để Tây Bắc ngày càng xứng đáng là “Hòn ngọc ngày mai” của Tổ quốc./.