Tháo gỡ vướng mắc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình MTQG 1719 ở Điện Biên
2023-05-09T20:04:39-04:00
2023-05-09T20:04:39-04:00
https://dienbien.edu.vn/uploads/news/2023_05/image-20230510070352-4.jpeg
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên
https://dienbien.edu.vn/uploads/logo-so-gddt.png
Thứ ba - 09/05/2023 20:02
Tiếp tục chuyến công tác khảo sát, hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, theo Quyết định 1719 (Sau đây gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), ngày 21/4 Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Dân tộc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên và các đơn vị liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên, thực hiện Quyết định 1719, UBND tỉnh Điện Biên giao cho Sở GD&ĐT tỉnh triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1 - Dự án 5 về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”.
Theo Nghị Quyết số 105/NQ-HDND ngày 8/7/2022 của HĐND tỉnh Điện Biên; Quyết định số 1240/QĐ-UBND, Quyết định số 1279/QĐ-UBND, Kế hoạch số 2674/KH-UBND, tổng mức vốn thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 5 giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 597.813 triệu đồng. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển 543.805 triệu đồng; vốn sự nghiệp 48.570 triệu đồng, vốn huy động hợp pháp khác khoảng 5.438 triệu đồng. Trong năm 2022 giải ngân 248,45 triệu đồng đạt 1,38%.
Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Để triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, do năm 2022 phân bổ vốn muộn, khối lượng công việc lớn, thủ tục theo quy định phải thực hiện theo trình tự, đòi hỏi thời gian thực hiện, nên dẫn đến thời gian thi công ngắn, khối lượng hoàn thành và giải ngân năm 2022 còn thấp, không thể hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn giao. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Ông Đào Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND Tp. Điện Biên Phủ
Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, đối tượng, phạm vi đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị Tiểu dự án 1 - Dự án 5 còn chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc xác định đối tượng đầu tư. Bên cạnh đó, công tác rà soát, tổng hợp nhu cầu và thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm phải thực hiện qua nhiều bước, cần thời gian để hoàn thành và giải ngân nguồn vốn đã phân bổ. Hiện trên địa bàn Điện Biên còn các nội dung số 2 của Tiểu dự án 1 - Dự án 5 còn vướng mắc, chưa triển khai được, như nội dung: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và nội dung xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Văn Đoạt đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai Chương trình và sớm nghiên cứu, ban hành hoặc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan ban hành sửa đổi những văn bản còn đang chồng chéo, bất cập, ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc về trình tự, thủ tục, về đối tượng, phạm vi đầu tư để các địa phương triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Điện Biên đã có nhiều kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc triển khai thực Tiểu dự án 1 - Dự án 5. Ông Lò Xuân Nam - Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Cơ chế, chính sách cho nội dung xóa mù chữ thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 5 và công tác giải ngân vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu có những hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai hiệu quả Dự án.
Giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 trên địa bàn tỉnh, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc cho biết: Chương trình MTQG 1719 là chương trình mới, việc triển khai thực hiện Chương trình ở cơ sở còn nhiều khó khăn, lúng túng. Hiện nay, còn nhiều bộ, ngành chưa ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện, nên tiến độ giải ngân còn chậm so với kế hoạch.
Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản, Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 5. Riêng đối với Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Bộ đã ban hành Công văn số 2184/BGDĐT-BGDDĐT ngày 26/5/2022 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện.
Ông Lò Xuân Nam - Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc
Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1339/BGDĐT-GDDT ngày 30/3/2023 về việc hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 trong năm 2023 và có điều chỉnh một số nội dung tại Công văn 2184 BGDĐT-BGDDĐT ngày 26/5/2022. Theo ông Lê Như Xuyên các đơn vị cần bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vướng mắc, cần kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan để được hướng dẫn thực hiện kịp thời, hiệu quả Dự án.
Ông Lê Như Xuyên cũng thông tin thêm, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT ngày 18/4/2023 quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS, áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS; các sở GD&ĐT, các tổ chức và cá nhân có liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 5 được hiệu quả.