banner

GDMN – Cô Hiệu trưởng trường Mầm non Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông

Thứ tư - 23/11/2016 20:51
Dienbien.edu.vn - Gặp cô trong một chuyến công tác ở xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Điện Biên Đông - xã Tìa Dình. Thật trùng hợp, khi cô là một trong những gương mặt tiêu biểu mà Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện giới thiệu cho chúng tôi trong dịp cả nước tưng bừng các hoạt động tri ân nhà giáo Việt Nam (20/11). Những ấn tượng ngay từ buổi đầu gặp mặt đã khiến tôi liên tưởng đến xương rồng - loài cây chỉ sống và phát triển thực sự trên những vùng đất khô cằn. Đây là những nhận định của nhà báo Hà Linh (Báo điện Biên Phủ) với cô giáo Đào Thị Lệ Hồi- Hiệu trưởng trường Mầm non Tìa Dình huyện Điện Biên Đông.
Thật vậy, ai đã đến với mảnh đất Điện Biên Đông  thì đều cảm nhận được cái nắng, gió, cái lạnh buốt của vùng sơn cước, xã Tìa Dình nằm cách trung tâm huyện 49km là một trong những xã nghèo thuộc vùng 135, hưởng Chương trình 30a của Chính phủ, với 03 dân tộc Mông, Thái, Lào cùng sinh sống. Người dân sống bằng nghề làm nương, rẫy; điều kiện kinh tế nghèo nàn; đường giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là về mùa mưa.

Trong giai đoạn năm 2000 đến năm 2006 huyện Điện Biên Đông được đón nhận nhiều các thầy cô giáo trẻ đến với bà con vùng cao, xóa bản trắng về giáo dục mầm non, trong đó có cô giáo Đào Thị Lê Hồi, khi ấy mới tuổi đôi mươi lên công tác.

“ Có bao nhiêu mơ ước ở trên đời
Sao em lại mơ làm cô giáo
Niềm mơ ước cuốn chân em lên bản nhỏ
Xa thành thị em đến dạy vùng cao”.


Cô Hiệu trưởng Đào Thị Lệ Hồi đang cùng trẻ học và chơi.
 
Từ năm 2009 cô giáo Đào Thị Lệ Hồi được phân công về làm Hiệu trưởng tại trường Mầm non Tìa Dình. Khi đó trường vừa được chia tách từ trường THCS xã Tìa Dình, với quy mô 05 lớp, 181 học sinh; 100% các lớp học đều là nhà tạm bằng tranh tre nứa, lá do các cô giáo và nhân dân dựng; tỷ lệ huy động trẻ 0-5 tuổi ra lớp mới chỉ đạt 47%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 80%; tổng số cán bộ giáo viên và nhân viên toàn trường lúc này mới có 06 người.

Giữa muôn vàn khó khăn, với sức trẻ, lòng nhiệt tình, tâm huyết cô Hồi đã động viên tập thể đoàn kết, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng chung tay góp sức xây dựng trường ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng được nhu cầu giáo dục của xã nhà. Cụ thể:

Theo lộ trình Phổ cập giai đoan 2009-2015, sau hai năm phấn đấu đến năm học 2011-2012 xã Tìa Dình là một trong những xã đi đầu đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi cấp huyện, đến năm 2013-2014 đạt chuẩn Phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi cấp tỉnh.

Đến nay quy mô trường lớp tăng cả về số lượng cũng như chất lượng: Nhà trường có tổng số 12 nhóm, lớp; 04 lớp kiên cố, 08 lớp bán kiên cố; tỷ lệ huy động trẻ 0-5 tuổi ra lớp đạt 98,3%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%; tổng số 21 cán bộ giáo viên và nhân viên. Nhà trường luôn duy trì đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Trong năm học 2016-2017 nhà trường phấn đấu được công nhân trường đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ I.

 Với sự nỗ lực cố gắng  của cá nhân và tập thể trường năm học 2015-2016 trường đã được UBND tỉnh tặng giấy khen tập thể Lao động xuất sắc. Cá nhân cô giáo Đào Thị Lệ Hồi liên tục trong hai năm 2014-2015, 2015-2016 đều được LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen.

Nhận thấy trẻ vùng cao còn nhiều khó khăn, cô luôn tích cực kêu gọi sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức thiện nguyện, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ về quần áo, giày dép, đồ dùng học tập cho trẻ của các nhà hảo tâm và các nhóm thiện nguyện như: Nhóm Atech công ty quản lý bay, nhóm thiện nguyện “Cơm cá cho con”, nhóm Đất Sinh.... 

Cô tâm sự rằng “Tôi đã gắn bó với vùng đất, con người nơi đây suốt những năm mà chưa làm được gì nhiều cho họ; mến những tình cảm từ những bà con dân tộc dành cho người thầy, người cô; mến sự tin yêu của những đồng nghiệp dành cho nhau, càng trăn trở hơn khi nghĩ đến những học trò nhỏ bé, còn thiếu thốn manh áo, miếng ăn và cả tình thương; môi trường học tập còn nhiều thiếu thốn...” cô càng quyết tâm làm tốt nhiệm vụ của người cô - người mẹ thứ hai của các con.

Là một cán bộ quản lý, bản thân cô vẫn hàng ngày lặn lội xuống các bản, cùng với giáo viên chủ nhiệm huy động học sinh đến lớp; cùng giáo viên chia sẻ những kinh nghiệm trong  giờ học... Chẳng thế mà nhắc đến cô Hồi, người dân nơi đây luôn dành những từ trìu mến nhất. Người già ở đây xem cô như con cháu trong gia đình, bọn trẻ thì gọi cô là mẹ, là dì...

Còn đối với chính quyền địa phương, ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã ghi nhận: “Ở xã này, tôi đã chứng kiến nhiều thầy cô đến, rồi lại đi, bởi vì xa xôi quá, đường đi lại vất vả, mùa mưa thì gần như bị cô lập. Có người vừa đến nhận công tác đã bỏ việc, có trường hợp chỉ được đôi ba năm lại xin ra vùng ngoài. Giáo viên vùng cao vốn đã vất vả, các cô giáo  mầm non lại càng vất vả hơn vì có nhiều điểm trường. Để gắn bó với mảnh đất này như cô giáo Hồi phải là người thật sự có tâm!”.

Tháng 11, tiết trời bắt đầu se lạnh. Nghe những lời nói đó, tôi thấy trong lòng ấm áp. Tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, cô Đào Thị Lệ Hồi cũng như các thầy cô giáo đang công tác tại vùng cao còn nhiều gian khó sẽ luôn mạnh mẽ, vững vàng như cây xương rồng trên vùng đất khô cằn, và sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia, đồng lòng để giáo dục vùng cao ngày càng phát triển./.

Tác giả: Phạm Thị Ánh Tuyết

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay24,523
  • Tháng hiện tại530,245
  • Tổng lượt truy cập136,882,058
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi