banner

GDMN- Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số”

Thứ tư - 07/12/2016 19:09
Dienbien.edu.vn - Điện Biên là tỉnh miền núi cao, địa hình phần lớn là núi, nhiều sông suối chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống phân tán, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa. Tỉnh có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,4%, còn lại là các dân tộc khác.

Bà mẹ trợ giảng cùng các cháu trường MN Sín Chải huyện Tủa Chùa

 
Với đặc thù là trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đa số, nhất là tại các xã vùng đặc biệt khó khăn, tỉ lệ học sinh dân tộc Kinh thấp, môi trường giao tiếp tiếng Việt hạn chế. Tỷ lệ trẻ là người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ chưa đến trường còn khá lớn, trẻ gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ tiếng Việt khi ra lớp học mẫu giáo. Nhiều giáo viên dân tộc Kinh không biết tiếng dân tộc của trẻ trong lớp, một số giáo viên là người DTTS nhưng không dạy trẻ cùng dân tộc dẫn đến khó khăn trong việc giao tiếp và thực hiện chương trình giáo dục theo quan điểm giáo dục tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm. Một số cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế về kỹ năng thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Một số nhóm, lớp chưa đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về phòng học, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và học liệu để trẻ học tiếng Việt. Thiết bị dạy học, thiết bị nghe nhìn, truyện tranh phục vụ dạy tăng cường tiếng Việt và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Một số nơi cha mẹ trẻ, cộng đồng xung quanh trẻ là người DTTS, ít sử dụng tiếng Việt nên chưa tạo được môi trường giao tiếp tiếng Việt thường xuyên cho trẻ trong gia đình và cộng đồng nơi trẻ sinh sống. Chưa có nhiều điều kiện, các hoạt động hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non ngoài nhà trường. Hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc giáo dục trẻ theo khoa học trong cộng đồng chưa thực sự phong phú, hiệu quả chưa cao.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 17/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, với mục tiêu: Tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.

Phụ huynh và giáo viên hướng dẫn trẻ làm đồ chơi bằng nguyên vật liệu địa phương - trường MN Noong Luống, huyện Điện Biên.
 
Theo Kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 98% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tăng cường tiếng Việt dưới mọi hình thức; 100% trẻ em người DTTS trong các cơ sở GDMN được tập trung tăng cường tiếng Việt. Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 99,5% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tăng cường tiếng Việt dưới mọi hình thức; 100% trẻ em người DTTS trong các cơ sở GDMN được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới các đơn vị cần tích cực triển khai những giải pháp như:

Đẩy mạnh công tác truyền thông:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch trong các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng, cha mẹ trẻ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh; huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội; tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em; đẩy mạnh công tác truyền thông về tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức.

Tăng cường học liệu, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt:

 Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp. Đặc biệt quan tâm đến các điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã biên giới, đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt.

 Quản lý sử dụng hiệu quả học liệu, tranh ảnh, băng đĩa, đồ dùng, thiết bị hiện có đồng thời tiếp tục phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em trong đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn.

 Xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em người DTTS; xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về tăng cường tiếng Việt tại các đơn vị phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền.

Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số:

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người DTTS về: công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ em.

Bồi dưỡng tiếng DTTS cho giáo viên dạy trẻ em người DTTS bằng hình thức: bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng DTTS và bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Hằng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho các cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ.

Bố trí sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ:

Đối với những nơi trẻ DTTS mới ra lớp, hạn chế về tiếng Việt, nhất là các xã, thôn/bản vùng đặc biệt khó khăn, các địa phương cần nghiên cứu thực hiện luân chuyển, sắp xếp đội ngũ giáo viên mầm non theo hướng ưu tiên bố trí giáo viên cùng dân tộc thiểu số với trẻ (nếu có), sắp xếp bố trí cộng tác viên ngôn ngữ để hỗ trợ.
Các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm đến yếu tố thành phần và phân bố dân cư người dân tộc thiểu số của địa phương; quy mô phát triển, số lượng trẻ các DTTS của mỗi xã, phường, thị trấn đến trường; từ đó có định hướng, chỉ đạo trong công tác tuyển dụng, hợp đồng, bố trí công tác đối với cán bộ quản lý, giáo viên cho phù hợp.

Thực hiện các chế độ, chính sách:

Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh và giáo viên theo quy định; tuyên truyền vận động để cha mẹ trẻ sử dụng có hiệu quả kinh phí được hỗ trợ phục vụ cho chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường; hỗ trợ giáo viên tự làm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tạo môi trường giáo dục trong lớp, ngoài trời,… Đặc biệt Kế hoạch cũng đưa ra chính sách hỗ trợ cộng tác viên ngôn ngữ với mức hỗ trợ bằng 1,0 mức lương cơ sở theo quy định hiện hành.

Tăng cường công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

Huy động cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tham gia dạy tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số; các cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Khuyến học Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha, mẹ và trẻ em người DTTS.

Huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

Huy động, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về tài chính, kỹ thuật, tiếp thu có chọn lọc các phương pháp tiến bộ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

Kế hoạch được ban hành là căn cứ quan trọng, thúc đẩy các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tiếp tục nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập224
  • Thành viên online2
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm209
  • Hôm nay36,213
  • Tháng hiện tại856,410
  • Tổng lượt truy cập135,334,703
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi