Tiến sĩ Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng được ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khai mạc Hội thảo. Trong phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Lê Mỹ Phong đã khái quát tình hình thực hiện việc quản lý văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp trong thời gian qua; mục đích, yêu cầu của Hội thảo lần này. Tiến sĩ Lê Mỹ Phong nhấn mạnh Ban tổ chức Hội thảo mong muốn được nghe nhiều ý kiến thẳng thắn từ thực tiễn về những mặt làm được, đặc biệt là những mặt tồn tại, bất cập cần thay đổi và các giải pháp cần thực hiện đối với việc công nhận văn bằng trong thời gian tới. Các ý kiến góp ý trực tiếp tại Hội trường cũng như các ý kiến tại Phiếu lấy ý kiến của các đại biểu sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, chọn lọc đưa vào Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khai mạc Hội thảo
Tiến sĩ Nguyễn Đại Dương, Trưởng Phòng Quản lý văn bằng, chứng chỉ đã báo cáo tóm tắt thực tiễn hơn 02 năm triển khai Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT. Tiến sĩ Nguyễn Đại Dương cũng trình bày những nội dung lớn dự kiến sẽ được sửa đổi nhằm đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường dịch vụ công trực tuyến theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân. Ngoài ra, một số vấn đề còn băn khoăn của các đại biểu trong Hội thảo tổ chức tại Thanh Hóa hai tuần trước cũng được Tiến sỹ Nguyễn Đại Dương tóm lược tại Hội thảo lần này.
Toàn cảnh Hội thảo
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Công nhận văn bằng đã báo cáo về kinh nghiệm, thực tiễn công nhận văn bằng của các quốc gia trên thế giới. Báo cáo cho thấy việc thực hiện công nhận văn bằng và sử dụng kết quả công nhận văn bằng giữa các quốc gia hiện nay, bên cạnh một số điểm chung phù hợp với Công ước toàn cầu của UNESCO về công nhận bằng cấp, thì cũng có không ít những khác biệt, theo đặc thù của từng quốc gia, khu vực.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Công nhận văn bằng báo cáo tại Hội thảo
Chủ tọa điều hành phần thảo luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, việc quy định áp dụng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là rất tích cực, cần thiết, phục vụ tốt hơn cho người dân. Khi đó có thể chuyển toàn bộ việc công nhận văn bằng cho một đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục,
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Xuân Mai, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong công nhận văn bằng từ nhiều năm nay.
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam bày tỏ vui mừng trước những đổi mới quan trọng trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT. Bà Nguyễn Kim Dung cũng cho rằng áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong công nhận văn bằng nên là quy định bắt buộc.
Có 12 đại biểu đã phát biểu tham luận trực tiếp tại Hội trường. Ban Tổ chức cũng thu thập được 112 Phiếu lấy ý kiến. Khác với Hội thảo lần thứ nhất tại Thanh Hóa, tại Hội thảo lần này đa số các đại biểu đồng ý với việc giao thẩm quyền công nhận văn bằng giáo dục đại học cho Giám đốc Trung tâm công nhận văn bằng và quy định tách việc công nhận văn bằng với việc xác thực văn bằng. Nhiều ý cho rằng đây là một bước tiến bộ của chính sách.
Một số ý kiến của các Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị chuyển nhiệm vụ công nhận văn bằng giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông từ Sở Giáo dục và Đào tạo về Cục Quản lý chất lượng. Các lý do của đề xuất này là: Số lượng văn bằng phổ thông đề nghị công nhận không nhiều; các Sở Giáo dục và Đào tạo gặp khó khăn trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin và liên hệ với cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục của nước ngoài do hạn chế về nhân lực, phương tiện,…; việc thực hiện thủ tục công nhận văn bằng hoàn toàn trực tuyến như quy định tại Dự thảo đã xóa bỏ khoảng cách địa lý, tạo thuận lợi cho người có văn bằng không cần phải đến nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan công nhận văn bằng. Vì vậy, việc phân cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện công nhận văn bằng phổ thông là không cần thiết và chưa hợp lý.
Ngoài những vấn đề nêu trên, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, trực tiếp cho Dự thảo thông qua Phiếu lấy ý kiến. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc để chỉnh sửa Dự thảo.