Hoạt động thực nghiệm tài liệu Giáo dục địa phương lớp 12 được tổ chức tại 10 trường THPT trên địa bản tỉnh, với 4 chủ đề và 10 bài học. Với mục đích kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi, mức độ đáp ứng yêu cầu về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của các bài học; mức độ phù hợp với đối tượng học sinh thuộc các thành phần dân tộc, vùng miền trên địa bản tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở kết quả dạy thực nghiệm, Ban Biên soạn sẽ đánh giá, chỉnh sửa và hoàn chỉnh tài liệu Giáo dục địa phương lớp 12 tỉnh Điện Biên.
Ảnh: Cô giáo Mạc Thị Yến và học sinh trường THPT Thanh Nưa trong tiết dạy thực nghiệm tài liệu Giáo dục địa phương lớp 12
Trường THPT Thanh Nưa tham gia dạy thực nghiệm bài học Bảo vệ môi trường ở tỉnh Điện Biên, thuộc chủ đề Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường tỉnh Điện Biên. Cô giáo Mạc Thị Bạch Yến (giáo viên môn Sinh học) cùng các giáo viên trong nhà trường đã nghiên cứu bản thảo tài liệu Giáo dục địa phương lớp 12 do Ban Biên soạn thiết kế; tổ chức thảo luận, xây dựng nội dung bài dạy, thống nhất ý tưởng thiết kế các hoạt động đảm bảo bài học gắn liền với thực tiễn địa phương, phát huy tính tích cực, chủ động vận dụng sáng tạo của học sinh.
Tại tiết dạy thực nghiệm, giáo viên vận dụng hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực như hoạt động góc, trò chơi, bài giảng điện tử kết hợp nghiên cứu tài liệu, hình ảnh, video… Học sinh tham gia hoạt động học tập sôi nổi, tìm hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại địa phương, phân biệt được nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan; nhận thức được trách nhiệm của bản thân để bảo vệ môi trường nơi học tập và sinh sống.
Ảnh: Học sinh trường THPT Thanh Nưa báo cáo kết quả học tập trong tiết dạy thực nghiệm
Sau dự giờ tiết dạy thực nghiệm, đại diện Ban Biên soạn, cán bộ quản lí, giáo viên dự giờ đã thảo luận, góp ý về hoạt động dạy của giáo viên, hoạt động học của học sinh và nội dung tài liệu. Chủ đề bài học về bảo vệ môi trường ở tỉnh Điện Biên được đánh giá có tính thiết thực, nội dung và hình thức phù hợp với thực tiễn địa phương. Đây chính là cơ sở quan trọng để Ban Biên soạn nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện tài liệu, thực hiện các quy trình tiếp theo để đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.