banner

Cơ sở vật chất giáo dục Mường Nhé còn nhiều khó khăn

Thứ năm - 11/08/2022 10:17
Dienbien.edu.vn - Huyện biên giới cực Tây Mường Nhé là địa phương khó khăn bậc nhất cả nước. Do vậy sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục ở địa phương này cũng đang hết sức khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy, trò nơi đây...
Điểm trường Mầm non Co Lót, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé bằng tranh tre trước khi được đầu tư xây dựng vào tháng 6/2022. Ảnh: C.T.V

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch có 8 điểm trường, gồm điểm trường trung tâm và 7 điểm trường bản. Khi mới thành lập, cơ sở vật chất của Trường rất thiếu thốn, nhiều phòng học, phòng nội trú, phòng công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh... đều là phòng tạm bằng tranh, tre, nứa, lá. Đến nay, dù đã được quan tâm đầu tư từ các chương trình của Nhà nước, hỗ trợ của các nhà hảo tâm nhưng cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn. Thầy Vũ Quang Huy, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch chia sẻ: “Trường vừa tiếp nhận thêm điểm bản Pa Tết từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chuyển giao sang. Điểm trường này hết sức khó khăn, vẫn còn là điểm trường tạm, chưa được đầu tư xây dựng kiên cố. Tuy đã kêu gọi được nhà tài trợ nhưng đường giao thông quá xa và khó khăn nên việc vận chuyển vật liệu lên xây chưa thực hiện được. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất ngay tại điểm trường trung tâm cũng đang rất thiếu. Các phòng học được xây dựng từ lâu, theo kiểu cũ nên nhỏ, chật chội, không phục vụ được công tác dạy và học, nhất là với lớp học khoảng 35 học sinh/lớp”.
Mới đây, điểm trường bản Yên nằm ở xa nhất, sâu nhất của xã Mường Toong vừa được khởi công xây dựng. Nhưng trước đó, cơ sở vật chất của điểm trường đều đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều năm qua, thầy và trò nơi đây phải học trong các phòng học xập xệ, không an toàn. Cô Lê Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Toong số 1, chia sẻ: Điểm trường bản Yên gồm 4 phòng học; trong đó, 2 phòng xây mới, 2 phòng dựng bằng gỗ, xập xệ, không đảm bảo an toàn. Mùa mưa thì nước chảy vào xối xả, mùa đông thì gió lùa lạnh buốt, mỗi khi gió lớn hay mưa bão thì khả năng sập rất cao. Thầy, trò nhà trường vẫn mong mỏi có một điểm trường mới khang trang, sạch đẹp để yên tâm dạy và học.”
Đó chỉ là 2 trong số nhiều trường đã và đang còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mường Nhé. Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tổng số phòng học hiện có 783 phòng; trong đó, số phòng kiên cố 456, bán kiên cố 300 (có 114 phòng là nhà lắp ghép), 27 phòng tạm. Phòng công vụ hiện có 311; trong đó, 143 phòng kiên cố, 152 phòng bán kiên cố (18 phòng lắp ghép), 16 phòng tạm; đáp ứng được 80% nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phòng nội trú hiện có 479; trong đó, 164 phòng kiên cố, 272 bán kiên cố (82 phòng lắp ghép), 43 phòng tạm; đáp ứng 80% nhu cầu của học sinh. Ngoài ra, số trường trên địa bàn có nhà vệ sinh đạt chuẩn 10/35, chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh 25/35, đa số là nhà vệ sinh ở các điểm trường lẻ.
Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: “Cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục đang là một trong những khó khăn của huyện. Tại một số trường hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu phòng học nên phải tiến hành ghép lớp, dẫn đến số lượng học sinh/lớp đông, không thể nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt đối với trẻ cấp học mầm non và học sinh lớp 1, 2 cấp tiểu học, vì đây là những khối lớp nền móng cho công tác giáo dục. Việc phải ghép lớp dẫn đến chật chội, nóng bức đặc biệt là vào mùa hè gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc học sinh của các nhà trường. Thiếu thốn về cơ sở vật chất còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, không đủ không gian để học sinh tiến hành các hoạt động như thảo luận, trao đổi theo nhóm...”.
Cũng bởi là huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí chi thường xuyên được cấp để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường còn hạn chế. Dẫu vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé vẫn đang tăng cường tham mưu với các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường; tiếp tục đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp từ nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục và nguồn xã hội hóa giáo dục, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Phòng đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa phòng học và các công trình phụ trợ đặc biệt là ở các trường, các điểm trường đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng (còn nhà lớp học tạm). Trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, Phòng nhận được sự quan tâm, tài trợ kinh phí xây dựng các điểm trường từ Quỹ Hi vọng (Báo VnExpress) đầu tư 5 công trình với tổng mức trên 5 tỷ đồng; Đài tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đầu tư 3 công trình tổng mức 3,2 tỷ đồng; Ngân hàng Công Thương đầu tư Trường Mầm non Pá Mỳ tổng mức 5 tỷ đồng... Đó là những nguồn tài trợ hết sức quý báu, góp phần san sẻ, làm vơi bớt những khó khăn với sự nghiệp giáo dục vùng cao, biên giới như huyện Mường Nhé.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay22,129
  • Tháng hiện tại803,665
  • Tổng lượt truy cập136,256,034
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi