Đối với trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số, tiếng Việt được coi là ngôn ngữ thứ hai của trẻ, trẻ vùng dân tộc thiểu số học tiếng Việt cũng giống như chúng ta học một ngoại ngữ nào đó, có rất nhiều khó khăn và rào cản phải vượt qua để cho trẻ có được vốn tiếng Việt tốt trước khi bước vào lớp 1. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc lĩnh hội kiến thức, hình thành các kỹ năng và từ đó thiếu niềm tin vào hoạt động học tập. Sự non yếu về tiếng Việt sẽ làm hạn chế về giao tiếp của trẻ em vùng dân tộc thiểu số trong sinh hoạt ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Trường Mầm non Trung Thu nằm trên địa bàn xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa là xã nghèo vùng cao có 100% đồng bào dân tộc H’mông sinh sống. Trường có 08 điểm trường lẻ được xây dựng tại trung tâm các điểm bản, trẻ đến trường . Nhận thức được vai trò trách nhiệm cũng như giá trị của việc tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ người dân tộc thiểu số. Năm học 2024-2025 nhà trường đã tích cực triển khai giai đoạn 2 Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 25/05/2021 của UBND huyện Tủa Chùa), chú ý khai thác các yếu tố văn hoá, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Hoạt động ngoài trời của trẻ tại điểm Đề Can Hồ - MN Trung Thu
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các cấp, nhà trường đã tổ chức triển khai, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và xây dựng cảnh quan môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách đối với trẻ em và giáo viên trực tiếp dạy trẻ người dân tộc thiểu số theo quy định; nâng chất lượng tăng cường chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ em mẫu giáo trước khi vào lớp một.
|
|
Trẻ học tập vui chơi tại không gian môi trường trong và ngoài lớp
Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non. Đội ngũ giáo viên chú trọng công tác xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, chú trọng cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp ở mọi lúc, mọi nơi; chỉ đạo giáo viên lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, tâm lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ; làm tốt công tác phối hợp với gia đình để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình.
Hoạt động giao lưu tăng cường tiếng Việt cho trẻ
Qua việc triển khai áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ người dân tộc thiểu số không chỉ giúp trẻ có nhiều cơ hội được thực hành, khám phá, trải nghiệm, được khuyến khích giao tiếp, trao đổi thảo luận dần dần hình thành tính mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, biết cách sử dụng từ ngữ, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc khi giao tiếp, trang bị kiến thức, rèn luyện các kỹ năng đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ bước vào lớp Một. Mà việc nâng cao chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ em người dân tộc thiểu số còn tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận Chương trình GDMN có chất lượng, đảm bảo công bằng trong giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; góp phần phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.