banner

Hiệu quả của việc giáo dục giới trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em tại trường Mầm non Mùn Chung, huyện Tuần Giáo

Thứ tư - 27/11/2024 20:56
Dienbien.edu.vn - Trường Mầm non Mùn Chung thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 63%, 98% trẻ trong trường là dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú.
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giáo dục giới trường MN Mùn Chung luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn; sự nhiệt tình, đồng thuận của CBQL, GV, NV cha mẹ trẻ em.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục giới cho trẻ em vùng DTTS tại trường Mầm non Mùn Chung cũng gặp phải không ít khó khăn và thách thức, bởi một số bản như: Co Sản, Ta Lếch, Huổi Cáy giao thông đi lại khó khăn gây hạn chế trong việc tiếp cận trường học; mặt khác người dân tại các bản chủ yếu là làm nương rẫy, trình độ dân trí thấp và còn nhiều hủ tục lạc hậu. Định kiến về vai trò của nam và nữ vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục của trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội tiếp cận với thông tin về bình đẳng giới, về các quyền của mình; tình trạng tảo hôn và sinh con sớm, cha mẹ không quan tâm cho con gái đi học các cấp cao vẫn còn xảy ra; vẫn còn tình trạng phân biệt con trai, con gái;...
Để thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục giới trong thực hiện chương trình GDMN nhà trường đã thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bình đẳng giới
Phối hợp với các lực lượng như (bí thư, trưởng bản, hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công an xã…) và các trường phổ thông trên địa bàn thực hiện công tác truyền thông về bình đẳng giới như: treo khẩu hiệu tuyên truyềnTháng hành động vì bình đẳng giới”; tuyên truyền về chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng trên địa bàn xã qua loa phát thanh của xã; triển khai đến các nhóm, lớp, CBQL, GV, NV vận động chăm lo đời sống cho nhà giáo nữ và trẻ em ncó hoàn cảnh khó khăn; thực hiện viết tin bài tuyên truyền về việc trao quà cho giáo viên nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
         
Tuyên truyền giáo dục giới tới cha mẹ trẻ
Hai là: Bồi dưỡng nâng cao năng lực, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ nhà giáo; tăng cường bổ sung đồ dùng, thiết bị, học liệu, đồ chơi cho trẻ
Nhà trường tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chương trình GDMN cho đội ngũ giáo viên nói chung và bồi dưỡng về thực hiện lồng ghép giáo dục giới cho trẻ nói riêng thông qua các hoạt động sinh hoạt chuyên môn tổ, sinh hoạt chuyên môn trường và đưa vào nội dung sinh hoạt chuyên môn của cụm trường. Mặt khác, nhà trường khuyến khích và bố trí những giáo viên nhiệt tình, có trình độ chuyên môn, trách nhiệm cao, thông thạo tiếng địa phương phụ trách nhóm, lớp có nhiều trẻ là người cùng DTTS; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường bổ sung thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học về đặc thù giới phù hợp với trẻ người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú trên địa bàn.
   Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ về công tác giáo dục giới
Ba là: Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ quan tâm thực hiện lồng ghép giáo dục giới ở các nhóm, lớp
Tại tỉnh Điện Biên, thời gian qua Sở, Phòng GD&ĐT đã tập huấn, hướng dẫn thực hiện lồng ghép giáo dục giới cho 100% các cơ sở GDMN trên địa bàn. Tại trường Mầm non Mùn Chung, nhà trường đã chú trọng đến lồng ghép giáo dục giới trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ ở trường luôn đảm bảo sự công bằng đối với mọi trẻ em, đảm bảo theo nhu cầu, sở thích của trẻ, không phân biệt trẻ trai, trẻ gái; tổ chức cho trẻ đọc thơ, hò, vè, ca dao, tục ngữ có liên quan về giới trong hoạt động chiều; khuyến khích giáo viên sưu tầm và tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi vận động, các trò chơi đặc thù của các dân tộc thiểu số ở địa phương để cả trẻ trai và trẻ gái đều được tham gia, xoá bỏ định kiến giới khi trẻ tham gia các hoạt động học tập, vui chơi ở trường. Đặc biệt nội dung lồng ghép giáo dục giới được nhấn mạnh trong các chủ đề tìm hiểu về “Trường, lớp mầm non của bé”, chủ đề tìm hiểu về “Bản thân và gia đình bé”.... các tình huống giáo dục giới được giáo viên gắn với một ví dụ cụ thể, nhẹ nhàng, có các câu hỏi gợi mở để trẻ dễ hiểu.

 
           Tổ chức các hoạt động giáo dục có lồng ghép giáo dục giới
Bốn là: Xây dựng môi trường giáo dục dựa trên bình đẳng giới
Giáo viên các lớp tạo không gian học tập và vui chơi có lồng ghép giáo dục giới cho trẻ tại trường, môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học với nội dung "không mang định kiến giới", như: mỗi nhóm, lớp có không gian văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương; góc âm nhạc có hình ảnh bé gái, bé trai cùng chơi đàn; góc phân vai có hình ảnh bé trai và bé gái cùng vào các vai chơi gia đình, bác sĩ, bán hàng, y tá; tại các khu vực nhà vệ sinh có không gian riêng dành cho bé gái và bé trai… Màu sắc trang trí lớp học cũng được thay đổi thành các màu trung tính phù hợp cho cả trẻ trai và trẻ gái. Các khu vực bên ngoài lớp học được trang trí với hình ảnh bé trai và bé gái xuất hiện trong nhiều vai trò như nhau để giúp trẻ và cha mẹ của trẻ không có cảm giác phân biệt đối xử theo giới tính của trẻ….
 
           Tạo môi trường giáo dục có lồng ghép giáo dục giới
Năm là: Tăng cường các hoạt động kiểm tra, hỗ trợ của cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ về lồng ghép giáo dục giới trong quá trình thực hiện chương trình GDMN trong kế hoạch kiểm tra nội bộ của trường và kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn giáo viên hằng năm.
Sáu là: Đẩy mạnh việc phối hợp giữa giáo viên các lớp với cha mẹ của trẻ trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục
Nhà trường tăng cường vận động các gia đình cho trẻ đi học chuyên cần và quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt là quan tâm đến những gia đình có trẻ em gái. Xây dựng kế hoạch, vận động cha mẹ trẻ tham gia xây dựng môi trường trường học có lồng ghép giáo dục giới; giáo viên trao đổi về giáo dục giới cho trẻ qua các buổi họp với cha mẹ trẻ và trong giờ đón, trả trẻ; vận động cha mẹ trẻ tham gia các hoạt động chung của nhà trường (dọn dẹp vệ sinh, làm đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ, quan tâm làm quà tặng cho bé gái nhân ngày 20/10, ngày 8/3...).

       Phối hợp cha mẹ xây dựng kế hoạch giáo dục giới cho trẻ em
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trên, bước đầu nhà trường đã thu được những kết quả rất khả quan, góp phần tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục trẻ em người DTTS nói riêng và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường nói chung. Cụ thể: tỷ lệ trẻ em 6-36 tháng tuổi được đi học tại trường hằng năm tăng 1-2% (riêng với trẻ MG đã đạt 100%). Tỷ lệ trẻ em gái trong độ tuổi nhà trẻ được đi học đạt: 43,6%. 100% trẻ là người DTTS đến lớp đều được tăng cường tiếng Việt, được quyền học tập và vui chơi như các trẻ khác. Qua đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong môi trường giao tiếp có sử dụng tiếng Việt. 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đánh giá hoàn thành chương trình GDMN; không còn sự bất bình đẳng giới trong trường mầm non. Đồng thời qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cha mẹ của trẻ về bình đẳng giới và góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng về giới trên địa bàn; nạn tảo hôn tại địa phương và tình trạng sinh con thứ 3, thứ 4 giảm trên 80% so với những năm trước. Thay đổi nếp nghĩ về giới ở cha mẹ trẻ v sự thấu hiểu, xoá bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ, cùng tạo điều kiện cho trẻ có quyền bình đẳng trong học tập, vui chơi giúp trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào học lớp 1, đảm bảo thực hiện Quyền trẻ em trong nhà trường cũng như tại gia đình, cộng đồng.


Qua quá trình thực hiện nhà trường cho rằng, để triển khai hiệu quả việc lồng ghép giới trong thực hiện chương trình GDMN cần:
(1) Nhận thức đầy đủ và đúng đắn về giới và tầm quan trọng của lồng ghép giới trong GDMN cho trẻ em, đặc biệt là ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa.
(2) Xác định được các lĩnh vực/hoạt động cơ bản để thực hiện lồng ghép các nội dung về giới trong Chương trình GDMN phù hợp với văn hoá của người dân trên địa bàn.
(3) Khai thác và sử dụng các trò chơi dân gian, các hoạt động trong lễ hội đặc thù của địa phương, đặc biệt chú ý đến sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ kết hợp với tiếng Việt.
(4) Có sự phối hợp nhiều lực lượng và lựa chọn các biện pháp phù hợp với đặc thù mỗi nhà trường, thậm chí phù hợp với từng gia đình của trẻ trong công tác truyền thông.
(5) Chú trọng tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về giới cho đội ngũ.
Như vậy, giáo dục giới cho trẻ ở vùng dân tộc thiểu số như tỉnh Điện Biên là một nhiệm vụ lâu dài và không dễ dàng. Tuy nhiên, với những nỗ lực của cả xã hội, bằng nhiều cách làm hay, giải pháp cụ thể, mô hình hiệu quả chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và xóa bỏ bất bình đẳng, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng và phát triển./.

Tác giả: quản trị

Nguồn tin: Phòng GD&ĐT Tuần Giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập242
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm218
  • Hôm nay35,119
  • Tháng hiện tại620,262
  • Tổng lượt truy cập136,972,075
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi