banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Giáo viên vùng cao - những hy sinh thầm lặng!

Thứ sáu - 29/07/2022 03:46
Dienbien.edu.vn - Khi tình nguyện đến các bản vùng cao dạy chữ, mỗi "giáo viên vùng cao" đều mang theo một trái tim sẵn sàng hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm, sinh sôi trên những vùng đất khó...
 
 
Cô giáo Ly Thị Cộng - giáo viên Trường Mầm non xã Nậm Tin thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phụ trách một điểm bản trên núi cao
Vinh quang những thế hệ giáo viên vùng cao!       
Ngược dòng thời gian, hơn 60 năm trước, đi theo tiếng gọi của Trung ương Đảng và Bác Hồ, mùa thu năm 1959, có 860 giáo viên miền xuôi đã xung phong mang ánh sáng văn hóa đến với các thôn, bản xa xôi nơi vùng cao Tây Bắc - Việt Bắc, trong đó có Điện Biên.
Không chỉ giúp cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, mà rất nhiều lứa học sinh của thế hệ giáo viên năm ấy, nay đã trưởng thành, trở thành những cán bộ ưu tú, mẫn cán của hệ thống chính trị từ Trung ương đến nhiều địa phương trong cả nước.
Họ chính là những viên gạch hồng đầu tiên, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục - đào tạo các tỉnh miền núi phát triển dần tiến kịp với các tỉnh miền xuôi.
Nhà giáo Ngô Xuân Lệnh, hiện đã ở tuổi ngoài 70, đang sinh sống tại TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên - 1 trong 860 giáo viên miền xuôi năm ấy cho biết: “Từ khi đồng bào vùng cao hầu hết không biết chữ, đến nay, chúng ta đã hoàn thành tốt việc xóa mù chữ. Vùng sâu, vùng xa quy mô trường lớp học ngày càng phát triển, các em nhỏ đều được đến trường. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ nhà giáo tình nguyện đến với đồng bào vùng cao”.
Đến nay, vẫn còn có không ít thôn, bản ở vùng cao, biên giới giao thông đi lại còn rất nhiều khó khăn; đường cấp phối, hoặc đường đất cũng chỉ có thể đi lại vào mùa khô.
Để tới được điểm trường, các thầy, cô giáo có thể phải men theo những con đường chênh vênh bên sườn núi và thậm chí còn phải tự chèo bè qua suối...
Cô giáo Hà Thị Huệ - giáo viên Trường Mầm non Nà Hỳ, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ - chia sẻ: “Vào mùa mưa, khi đi vận động học sinh ra lớp, nhiều gia đình đi ở nương nên rất khó để gặp. Không gặp được phụ huynh, chúng tôi lại phải đi vào ban đêm, chờ đến tối mới gặp được để vận động phụ huynh đưa con đến lớp”.

Chăm sóc cả những giấc ngủ hằng đêm cho các con
Để ươm mầm con chữ tại các thôn, bản vùng cao ở Điện Biên, giờ đây không chỉ dừng lại ở ba cùng nữa, mà mỗi người giáo viên phải thực hiện bốn cùng đó là: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa với các em.
Hàng ngày từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy tiếng, dạy múa, dạy nói, dạy chữ cho trẻ, đều được các cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình.
Những hy sinh thầm lặng!
Sự cống hiến của các giáo viên vùng cao nói chung và Điện Biên nói riêng không thể kể hết bằng lời, chỉ có tận mắt chứng kiến, thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp trồng người ở những nơi vùng cao, biên giới đầy gian khó.
Nghề dạy học là nghề vinh quang, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Còn đối với những giáo viên vùng cao, giáo viên cắm bản, rất nhiều người phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trụ ở các thôn, bản xa xôi, để cho giấc mơ con chữ, của học trò vùng cao, được trọn vẹn.
 
Những bữa ăn ấm cúng trên đỉnh núi
Như trường hợp của cô giáo mầm non Lò Thị Tươi - giáo viên Trường Mầm non xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Có con nhỏ chưa tròn 8 tháng, cô giáo đã phải cai sữa để đến lớp, thuê nhà trọ ở gần trường để tiện bề chăm sóc con. Khi con chưa đầy 18 tháng, cô đã phải gửi con về gia đình cách 40km để chồng chăm sóc con rồi lên núi nuôi dạy trẻ em nghèo...
Chưa có đường, chưa có điện, các hộ dân ở bản Huổi Tre lại sinh sống thành 2 nhóm. Do điểm trường đặt ở nhóm 1 nên các em ở nhóm 2 phải đi bộ mất hơn 2 tiếng mới đến được lớp học. Vì vậy, nhà trường đã phải vận động các gia đình để các em ở lại cho cô giáo nuôi và cuối tuần đến đón. Điều đó đồng nghĩa với việc cô giáo cũng phải ở lại điểm bản để nuôi những học trò nghèo, trong khi con mình thì hằng đêm hờn khóc vì nhớ mẹ.
Khi vừa bón cơm vừa dạy trẻ tự xúc ăn, cô giáo Lò Thị Tươi chia sẻ: “Những lúc như thế này, tôi thấy giống như mình đang chăm chút cho chính những đứa con của mình và đôi khi cũng chạnh lòng nghĩ thương chồng và con ở nhà đang thiếu đi bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ”.
Hay trường hợp của cô giáo Ly Thị Cộng - giáo viên Trường Mầm non xã Nậm Tin thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - quanh năm phải tự đi bè đến lớp. Đó là một lớp học trên đỉnh núi cách điểm trường trung tâm chỉ hơn 1km thuộc bản Vàng Lếch, nhóm 2. Do không có đường, không có cầu nên cách duy nhất là phải đi bè qua suối.
Vào tháng 9/2020, đã có cô giáo rơi khỏi bè và bị nước lũ cuốn trôi hàng trăm mét ngay tại con suối này… Nhưng sau đó, cô giáo đã may mắn được các em học trò bản địa và người dân kịp thời cứu sống...
 
Cô giáo Ly Thị Cộng hằng ngày tự chèo bè qua suối để đến lớp
Chọn nghề cũng một phần vì sinh kế, thế nhưng đối với giáo viên vùng cao thì trước hết phải có lòng yêu nghề và đức hy sinh, tình yêu học trò phải chiến thắng nỗi sợ hãi và muôn vàn khó khăn, thử thách.
Có thể thấy hình ảnh cô giáo Ly Thị Cộng hằng ngày tự chèo bè vượt suối chính là hình ảnh đại diện cho những thế hệ giáo viên vùng cao - những người bền bỉ chèo đò chở tri thức và văn hóa đến những nơi vùng cao, biên giới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập289
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm250
  • Hôm nay58,866
  • Tháng hiện tại1,220,745
  • Tổng lượt truy cập70,510,635
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi