banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Trường Mầm non Pú Hồng huyện Điện Biên Đông tăng cường xã hội hoá giáo dục để thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số

Thứ tư - 08/03/2023 04:52
Dienbien.edu.vn Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông được thành lập từ năm 2007, là trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông. Năm học 2022-2023, trường có 01 điểm trường trung tâm và 16 điểm trường lẻ với tổng số 676 học sinh. Trẻ em của trường hầu hết là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Hầu hết trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi đến lớp chưa biết hoặc biết rất ít tiếng Việt. Đây là rào cản lớn đối với giáo viên của trường trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Triển khai thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trong những năm gần đây được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Triển khai tốt kế hoạch thực hiện đề án này sẽ góp phần giảm thiểu rào cản về bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và trẻ, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, đồ dùng đồ chơi còn thiếu, trong khi trường lại có nhiều điểm trường lẻ nằm rải rác và cách xa nhau nên rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án.
Các bé mẫu giáo làm quen với chữ cái trong giờ chơi
Trước thực trạng trên, ngoài việc nhà trường quan tâm đến việc bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên là người Kinh để thuận tiện trong giao tiếp, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nhà trường tổ chức các hội thi, hoạt động giao lưu, vui chơi gắn với thực hành giao tiếp bằng tiếng Việt để tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ. Cùng với đó, để đạt hiệu quả cao trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhà trường đã nỗ lực làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm, các bậc phụ huynh để xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là tạo môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Thông qua các cuộc họp phụ huynh, trao đổi giữa giáo viên với cha mẹ trẻ, nhà trường đã huy động phụ huynh học sinh ủng hộ sơn để giáo viên vẽ những câu chuyện, những hình ảnh sinh động trong khu vườn cổ tích, những hình ảnh tuyên truyền gần gũi, ngộ nghĩnh kèm theo những dòng chữ được viết bằng tiếng Việt để trẻ được thực hành phát âm các chữ cái mọi lúc mọi nơi không chỉ trong giờ học mà ngay cả trong khi chơi.
Phụ huynh nhà trường làm đường cho bé tới lớp ở điểm trường Ao Cá
Tại 100% các điểm trường, phụ huynh nhiệt tình giúp giáo viên làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ như: Làm các con vật bằng gỗ cho trẻ chơi, góp đá hay lốp xe và những vật liệu sẵn có tại địa phương… để giáo viên làm đồ chơi, tạo môi trường giáo dục; ủng hộ kinh phí tạo các khu vui chơi ngoài trời cho trẻ với nhiều đồ chơi đa dạng, trang trí trường, lớp học và nhiều ngày công lao động để làm đường đi, tôn tạo cảnh quan môi trường, giúp trường lớp ngày càng khang trang, thu hút trẻ tới lớp chuyên cần, trẻ có nhiều cơ hội được tăng cường tiếng Việt.
Ngoài ra, nhà trường đã viết thư ngỏ kêu gọi tài trợ cho trẻ qua các kênh mạng xã hội zalo, Facebook và được nhiều tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để xây dựng môi trường giáo dục như: Ủng hộ vật liệu làm 300 m2 sân bê tông, tặng  01 bộ đồ chơi liên hoàn ngoài trời cho trẻ; tặng 600 cuốn truyện tranh, 130 cuốn sách tô màu, 200 hộp sáp màu, 200 hộp đất nặn, bút chì cho trẻ; xây 01 phòng lớp học, 01 bếp kiên cố thay thế nhà tạm để trẻ có không gian học tập…
Với các giải pháp như trên, môi trường tiếng Việt đã giúp trẻ có cơ hội được tăng cường nghe, nói tiếng Việt. 100% trẻ 5, 6 tuổi của nhà trường có kỹ năng cơ bản, sẵn sàng vào học lớp Một. Những trẻ ở độ tuổi bé hơn cũng dần dần mạnh dạn hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt.
Các bé mẫu giáo khám phá sách truyện, kể chuyện sáng tạo

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục tham mưu tích cực với chính quyền địa phương, phòng GDĐT huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh hỗ trợ thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ, hướng tới mọi trẻ của trường khi bước vào học lớp 1 luôn có tâm thế sẵn sàng, yêu thích đi học và có kỹ năng, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập308
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm235
  • Hôm nay74,106
  • Tháng hiện tại3,414,760
  • Tổng lượt truy cập74,124,140
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi