Nếu...
Sáng kiến là sự sáng tạo mang tính khoa học, là sản phẩm trí tuệ được tạo ra từ một người hoặc một số người trong một lĩnh vực nào đó, là giải pháp hữu ích được áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Kinh nghiệm là vốn sống trong cuộc sống và trải nghiệm trong công việc được giao.
Nếu được hiểu như vậy thì không có gì đáng bàn trong bài viết này.
Sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục đào tạo được xếp bậc phải đạt bốn tiêu chí: Tính khoa học, tính sáng tạo, tính thực tiễn, tính sư phạm.
Sáng kiến kinh nghiệm của nhà giáo phải thực sự là quá trình lao động sáng tạo, quá trình tìm tòi nghiên cứu qua thực tiễn về kiến thức, phương pháp dạy học, mang đến hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho bản thân trong quá trình dạy học và hơn thế nữa được phổ biến rộng rãi cho đồng nghiệp áp dụng hiệu quả.
Thế nhưng, vai trò, tác dụng, ý nghĩa và những quy định như vậy nhiều năm qua vẫn còn xem nhẹ.
Nhiều năm nay, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm trong các trường học được nhà trường và công đoàn cơ sở rất quan tâm. Tại hội nghị Công nhân viên chức và Công đoàn đầu năm học, các trường đều phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, đề ra chỉ tiêu cụ thể, phong trào này được tập thể cán bộ giáo viên hưởng ứng tham gia.
Chính vì vậy cuối mỗi năm học, mỗi nhà trường có hàng chục sáng kiến kinh nghiệm gửi về phòng giáo dục. Phòng giáo dục nhận được hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm từ các trường học. Sở GD-ĐT cũng nhận được hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm từ các phòng giáo dục.
Với số lượng như vậy thì thật là một niềm vui. Vui vì một phong trào được nhiều cán bộ, giáo viên quan tâm hưởng ứng. Vui vì có nhiều sáng kiến được xếp bậc cao cấp tỉnh và được Sở Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận “Sử hữu trí tuệ”.
Song việc viết và chấm sáng kiến kinh nghiệm thì thật đáng buồn.
Nở rộ “download”, “coppy”
Để được công nhận các danh hiệu thi đua như Lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, giáo viên dạy giỏi thì phải có sáng kiến kinh nghiệm được xếp bậc - đây là quy định bắt buộc. Điều đó hoàn toàn đúng.
Theo quy định một số Phòng giáo dục: Để được xét lao động tiên tiến và gửi lên phòng giáo dục thì sáng kiến kinh nghiệm phải được Hội đồng khoa học trường công nhận bậc 2. Để được xét chiến sĩ thi đua cấp huyện thì sáng kiến đó phải được Hội đồng khoa huyện công nhận bậc 3A, 3B. Sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 3A được xét gửi lên tỉnh chấm để công nhận bậc 4.
Những cán bộ giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 4 thì được xét chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Từ những quy định như vậy, để đạt được các danh hiệu trên thì từ một phong trào viết sáng kiến trở thành “phong trào” “download”, “coppy” “sang tên, đổi chủ”… được diễn ra.
Nhiều giáo viên sử dụng sáng kiến kinh nghiệm cũ sửa sang tên đề tài, sửa một số nội dung rồi đem nộp. Thậm chí nhiều thầy cô có bạn bè thân quen là giáo viên ở các huyện, tỉnh khác gửi sáng kiến qua email rồi họ chỉnh sửa, “sang tên đổi chủ” đem nộp...
Công đoạn chấm sáng kiến kinh nghiệm của Hội đồng khoa học các cấp còn nể nang, cảm tính và “ bệnh thành tích” nên nhiều sáng kiến kinh nghiệm “download”, “coppy” “sang tên, đổi chủ”…đều được xếp bậc.
Để điều đáng buồn không còn
Nhiều sáng kiến kinh nhiệm có tính sáng tạo được xếp bậc cao thì “nằm im” trong tủ không được phổ biến công khai rộng rãi để thầy cô các nhà trường học tập đưa vào áp dụng trong thực tiễn giảng dạy.
Để giảm thiểu những “ nỗi buồn” trên theo tôi người quản lý đặc biệt là Hội đồng khoa học các cấp cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò, tác dụng, ý nghĩa của sáng kiến kinh nghiệm.
Cương quyết loại bỏ những sáng kiến kinh nghiệm “download, coppy, sang tên, đổi chủ…”, thực hiện nghiêm túc, bám sát chặt chẽ 4 tiêu chí để chấm và xếp bậc sáng kiến kinh nghiệm.
Những sáng kiến kinh nghiệm đạt chất lương tốt cần được nhân rộng, phổ biến rộng rãi và được áp dụng trong giảng dạy
Hiện nay thầy cô ở các nhà trường đang sôi nổi đăng ký đề tài sáng kiến kinh nghiệm trong năm học 2015-2016. Chắc rằng cuối năm học này điều đáng buồn trên không còn nữa./.