Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Theo Thông tư này, hệ thống tài khoản kế toán của Ngân hàng Nhà nước gồm 08 loại tài khoản trong Bảng cân đối kế toán. Đó là: Tiền và tài sản thanh khoản; Cho vay, mua bán giấy tờ có giá, thanh toán với Nhà nước và Ngân sách Nhà nước; tài khoản cố định và tài sản Có khác; Phát hành tiền và nợ phải trả; Vốn, quỹ và kết quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; Tài khoản trung gian; Thu nhập; Chi phí. Bên cạnh đó là 02 loại tài khoản ngoài bảng gồm: Các cam kết ngoài bảng; Tài khoản ghi nhớ ngoài bảng.
Việc hạch toán trên các tài khoản được tiến hành theo phương pháp ghi sổ kép (Nợ - Có). Các tài khoản trong bảng được chia làm 3 loại, gồm: Loại tài khoản thuộc tài sản Có (luôn luôn có số dư Nợ); Loại tài khoản thuộc tài sản Nợ (luôn luôn có số dư Có) và Loại tài khoản thuộc tài sản Nợ - Có (lúc có số dư Có, lúc có số dư Nợ hoặc có cả hai số dư).
Khi lập bảng cân đối kế toán ngày, tháng, quý, năm, các đơn vị Ngân hàng Nhà nước chỉ lập đến tài khoản cấp III và phải phản ánh đầy đủ và đúng tính chất số dư của các loại tài khoản nói trên (đối với tài khoản thuộc tài sản Có và tài khoản thuộc tài sản Nợ) và không được bù trừ giữa hai số dư Nợ - Có (đối với tài khoản thuộc tài sản Nợ - Có).
Thông tư này áp dụng với Sở Giao dịch, Vụ Tài chính - Kế toán, Cục Công nghệ tin học, Cục Phát hành và kho quỹ, Cục Quản trị, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Văn phòng đại diện TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị khác của Ngân hàng Nhà nước có tổ chức bộ máy kế toán. Bạn đọc có thể xem toàn bộ nội dung thông tư
tại đây./.