banner

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết giai đoạn II thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số

Thứ hai - 28/10/2024 04:11
Dienbien.edu.vn- Ngày 25/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết giai đoạn II thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS) và đánh giá chất lượng giáo dục mầm non vùng DTTS. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp với trực tuyến tại các tỉnh, thành phố. Tham dự Hội nghị và chỉ đạo trực tiếp tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi- Thứ trưởng Bộ GDĐT; đại biểu đại diện Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ GDĐT; đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT: Cục Cơ sở vật chất, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục Dân tộc, Vụ Giáo dục Mầm non. Sở GDĐT các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Cạn. Điểm cầu tại tỉnh Điện Biên được tổ chức tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, phát biểu khai mạc Hội nghị
Theo số liệu báo cáo từ các tỉnh, thành phố, tính đến thời điểm tháng 5/2024, toàn quốc có 4.913 trường mầm non có trẻ em đến trường là người DTTS; có 68.720 nhóm, lớp mầm non có trẻ em người DTTS. Bình quân hằng năm, tổng số giáo viên mầm non (GVMN) được tập huấn về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt là 47.326 người; bồi dưỡng nâng cao trình độ đào tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy vùng DTTS 51.539 người; bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS 11.743 người. Một số địa phương có biên soạn bổ sung tài liệu phù hợp với vùng miền, văn hóa cộng đồng dân tộc nơi trẻ sinh sống để tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
So với mục tiêu của Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, đến tháng 5/2024, số trẻ DTTS độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 26,4%; số trẻ DTTS độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 87,3%. Tuy vậy, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ, chưa triển khai đầy đủ kế hoạch theo lộ trình, công tác tham mưu ban hành kế hoạch còn chậm. Tỷ lệ trẻ em người DTTS ra lớp chưa đạt mục tiêu của đề án. Mặc dù đã tích cực triển khai, tuy nhiên ở một số tỉnh, trẻ em đến trường vẫn hạn chế về khả năng giao tiếp nói chung và tiếng Việt nói riêng như: nhút nhát, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động giáo dục…
Hoạt động phối hợp với cha mẹ giúp trẻ làm quen với sách tại Trường Mầm non xã Na Ư, huyện Điện Biên
Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc đưa giáo dục mầm non vào đối tượng thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 1: 2021-2025, giai đoạn 2: 2025-2030 nhằm hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học đáp ứng tốt nhu cầu tới trường của trẻ, huy động trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo khi Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo được ban hành. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện đề án chất lượng, hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: cần có quan điểm, nhận thức rõ ràng về mục tiêu của đề án sẽ thống nhất trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện các công việc, nhiệm vụ khả thi, hiệu quả. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, sự tham gia, vào cuộc của phụ huynh, gia đình, cộng đồng. Như vậy, có thể thấy “công tác truyền thông, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng và là nhiệm vụ phải làm trong triển khai đề án”, cần quan tâm đến việc tạo môi trường học tập, sử dụng tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số. Theo đó, tăng cường sử dụng các đồ chơi, học liệu, tổ chức các hoạt động trong sinh hoạt, vui chơi để học sinh có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nhưng vẫn trên cơ sở bảo tồn được tiếng mẹ đẻ và bản sắc riêng của các dân tộc. Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên, đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp tại các vùng khó, đặc biệt là giáo viên thực hiện công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Hằng năm, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục đề ra. Đồng thời, cần quan tâm, tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho các giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên thực hiện đề án.
Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch giai đoạn 2 đề án, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ hiệu quả, phù hợp với địa phương. Đảm bảo đạt các mục tiêu của đề án theo giai đoạn. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, học liệu; mua sắm, cấp phát cho trẻ em và giáo viên đồ dùng, trang thiết bị, học liệu, tranh ảnh nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và tham mưu ban hành chính sách địa phương đối với trẻ em người DTTS, giáo viên mầm non dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tiếp tục có chính sách tạo điều kiện để giáo viên học tiếng mẹ đẻ của trẻ./.
Nguồn tin: Nguyễn Thị Huệ- Phòng GDMN-TH

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập159
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay27,385
  • Tháng hiện tại661,523
  • Tổng lượt truy cập136,113,892
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi