banner

Trường Mầm non Sơn Ca thành phố Điện Biên Phủ Xây dựng mô hình “Dân vận khéo: Giờ học hạnh phúc – Lớp học yêu thương” năm học 2023 - 2024

Thứ năm - 29/02/2024 01:46
Dienbien.edu.vn Thực hiện Hướng dẫn số 05- HD/BDVTU, ngày 26/10/2022 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025; Văn bản số 1054/PGDĐT-TĐKT ngày 08 tháng 8 năm 2023 của Phòng Giáo dục và đào tạo V/v xây dựng và công nhận mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2022-2025. Trường Mầm non Sơn Ca, thành phố Điện Biên Phủ đã đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo: Giờ học hạnh phúc - Lớp học yêu thương” năm học 2023 - 2024.
Để được nhân dân tin tưởng, gửi gắm, trao con em tới trường cho các cô giáo nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục là cả một quá trình dài mà đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường đã đồng lòng cống hiến hết mình cho thế hệ trẻ tương lai. Chính vì vậy nhà trường đã xác định được mô hình “Giờ học hạnh phúc - Lớp học yêu thương” là môi trường phát triển toàn diện cho trẻ; kích thích hứng thú học tập - vui chơi của trẻ; tạo dựng niềm tin và sự hài lòng của phụ huynh; xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động giáo dục tạo nên những giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Là nơi phụ huynh/các gia đình hạnh phúc khi được gửi con. Qua đó phụ huynh sẽ phối hợp tốt cùng với nhà trường và các cô giáo như đóng góp các nguyên vật liệu có thể tái sử dụng, đóng góp tài lực, vật lực…, cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm, các hội thi, các ngày lễ, ngày hội của nhà trường.
Có rất nhiều những tiêu chí để xây dựng một Giờ học hạnh phúc - Lớp học yêu thương nhưng quan trọng nhất, cốt lõi nhất cần 3 tiêu chí: an toàn, tình yêu thương và tôn trọng. Nhà trường luôn mong muốn các lớp học trong nhà trường luôn hạnh phúc, là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác “muốn đến”. Trẻ sẽ yêu thích việc đến trường nếu như ở đó trẻ được lên tiếng và được lắng nghe một cách đầy tôn trọng. Thay vì la mắng, dọa dẫm, hãy cho trẻ được sai lầm, được nói ra cảm xúc của mình. Điều đó sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. Để thực hiện tốt mô hình đó nhà trường đã đề ra các giải pháp thực hiện như sau:
Trước tiên giáo viên các lớp phải thiết kế Chương trình dạy và học chất lượng, phù hợp với trẻ, phù hợp với đặc điểm của trường, lớp;
 Tổ chức các hoạt động linh hoạt, sáng tạo thu hút trẻ tích cực tham gia. Chỉ đạo giáo viên mỗi giờ học là một “Giờ học hạnh phúc” và luôn áp dụng phương pháp “học bằng chơi, chơi mà học” lồng ghép các trò chơi vào trong các hoạt động, phát huy tính chủ động sáng tạo của cá nhân từng trẻ, không quá chú trọng đến kết quả, mà chủ yếu tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, thể hiện ở sự vui tươi nhí nhảnh của trẻ thơ. Vì vậy trẻ sẽ không cảm thấy mình bị áp lực và hạnh phúc thực sự là ở những “nụ cười”. Đặc biệt ở mỗi hoạt động lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho trẻ, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các con. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của cô và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn;

Các giờ học trẻ say sưa tham gia hoạt động
Giáo viên các lớp tạo tiếng cười vui vẻ, không khí thoải mái cho trẻ ngay khi trẻ đến lớp như: Màn chào hỏi của cô và trẻ vào mỗi đầu giờ sáng, trước khi vào lớp, các bé sẽ tự mình lựa chọn một cách chào hỏi với giáo viên trong “menu lựa chọn” dán ngay trên cửa của mỗi lớp. Vì mỗi ngày đến trường, đến lớp của trẻ là một ngày vui;

Màn chào hỏi của cô và trẻ vào mỗi đầu giờ sáng, trước khi vào lớp
Giáo viên các lớp cần phải thiết kế môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, gần gũi và ấm áp, luôn tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, sáng tạo và luôn lắng nghe, tôn trọng trẻ để mọi trẻ đều có thể thành công.
Bên cạnh đó là việc huy động sức dân: Giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh trong lớp để biết được hoàn cảnh cũng như tính cách của các bậc phụ huynh, tuyên truyền vận động tới các bậc phụ huynh bằng nhiều hình thức như trao đổi trực tiếp, qua tranh tuyên truyền, qua nhóm lớp Zalo, qua trang Facebook, website của nhà trường, mời phụ huynh tham gia trực tiếp vào các hoạt động chăm sóc giáo dục của lớp cũng như các hoạt động phong trào của nhà trường. Gửi các bậc phụ huynh kế hoạch học theo tuần của các con, để các bậc phụ huynh luôn theo sát chế độ sinh hoạt của con trên lớp, thường xuyên ủng hộ các nguyên vật liệu để giúp giáo viên xây dựng những giờ học hạnh phúc. Qua đó phụ huynh thấy được những thay đổi, tiến bộ của con em họ khi được học trong một môi trường đầy đủ.

Phụ huynh ủng hộ các nguyên vật liệu để giúp giáo viên xây dựng những giờ học hạnh phúc
Tiếp theo là giải pháp trong công tác thi đua khen thưởng, phát động thi đua hàng tháng với các gương nhà giáo tiêu biểu: Giáo viên lớp làm tốt công tác truyền thông; giáo viên lớp tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm nhất; giáo viên lớp sáng tạo nhiều trò chơi nhất… hàng tháng các tổ tự bình xét và đề nghị hội đồng thi đua khen thưởng vào các cuộc họp hội đồng sư phạm. Với cách làm này đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, hào hứng, say mê công việc trong đội ngũ của nhà trường.
Với việc thực hiện các giải pháp trên, mô hình “Dân vận khéo: Giờ học hạnh phúc - Lớp học yêu thương” của nhà trường đã đem lại rất nhiều lợi ích và kết quả như:
Qua việc triển khai mô hình này đã dần hình thành cho trẻ những mối quan hệ gần gũi yêu thương với trường lớp, với cô giáo và bạn bè. Trẻ thích được đến lớp và tham gia các hoạt động trải nghiệm, hứng thú tích cực tham gia các ngày lễ, hội, kỹ năng được củng cố, khả năng sáng tạo được thể hiện rõ rệt. Trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp. Trẻ được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, thân thiện, cởi mở cuốn hút trẻ và trẻ rất thích thú khi được đến trường, lớp.

Trẻ hứng thú tham gia các hoạt động trải nghiệm, lễ, hội
Bên cạnh đó, 100% giáo viên trong trường đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm và bước đầu thành công trong việc xây dựng được các giờ học hạnh phúc, tạo được môi trường lớp học thân thiện, yêu thương, gần gũi với trẻ.
Đồng thời các bậc phụ huynh ngày càng tin tưởng nhà trường, gửi con em mình đến lớp đều đặn hơn, không còn tình trạng học sinh nghỉ học tùy tiện. Đặc biệt hơn là khi nhà trường tổ chức một số ngày hội, ngày lễ, các chương trình trải nghiệm cho trẻ, phụ huynh đều nhiệt tình ủng hộ, cùng tham gia với trẻ, với mục đích cuối cùng là để cho tất cả trẻ đều được vui, được hạnh phúc như tham gia chương trình “Ngày hội đến trường của bé”; “trải nghiệm tiệc buffet”; Chương trình “Tôi yêu Việt Nam”; chương trình “vui tết trung thu”; hoạt động trải nghiệm “Bé tập làm đầu bếp”; chương trình “Chào xuân Giáp Thìn Năm 2024”; hoạt động trải nghiệm tham quan di tich lịch sử, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ…Trong năm học vừa qua các lớp đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và các mạnh thường quân: Huy động, thu hút nguồn tài trợ, kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của các bậc phụ huynh để cải tạo cảnh quan trường lớp và hỗ trợ các hoạt động học, phong trào, các hội thi của học sinh với tổng số tiền: 74.600.000đ; Công ty TNHH Minh Nhật Điện Biên tài trợ 5.000.000đ; phụ huynh Ông Lê Văn Thức - Bà Nguyễn Ngọc Quý lớp Mẫu giáo Bé B2 là chi hội trưởng của nhà trường đã trao tặng 30 áo ấm để hỗ trợ tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt nhân dịp xuân Giáp Thìn; ban chấp hành Hội chữ thập đỏ phường Him Lam đến thăm và trao tặng 10 xuất quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn và mắc bệnh hiểm nghèo.

Phụ huynh tham gia nhảy sạp cùng trẻ trong chương trình “Chào xuân Giáp Thìn năm 2024”

Phụ huynh lớp Mẫu giáo Bé B2 là chi hội trưởng của nhà trường đã trao tặng 30 áo ấm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Với sự nỗ lực, nhiệt huyết của tập thể đội ngũ giáo viên nhà trường, sự ủng hộ của phụ huynh, trường mầm non Sơn Ca đã trở thành một địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh lựa chọn gửi gắm con em mình, bởi ở đó trẻ em được tôn trọng, yêu thương, luôn là trung tâm trong các hoạt động… Phải yêu thương trẻ, tôn trọng trẻ thì trẻ mới tìm đến. Muốn lớp học luôn đầy ắp tiếng cười thì người giáo viên phải luôn vui vẻ và hạnh phúc.
Chúng tôi trường Mầm non Sơn Ca - Thành phố Điện Biên Phủ quyết tâm phấn đấu thực hiện có hiệu quả mô hình “Giờ học hạnh phúc - Lớp học yêu thương” để tạo dựng niềm tin và sự hài lòng của phụ huynh, góp phần xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho trẻ tại nhà trường.

Tác giả: quản trị, Nguyễn Thị Thanh Thủy

Nguồn tin: Trường Mầm non Sơn Ca, thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập225
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay20,398
  • Tháng hiện tại665,483
  • Tổng lượt truy cập135,143,776
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi