banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDMN - Chuyên đề truyền thông tháng 10: Thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ hai - 23/10/2017 20:23
Dienbien.edu.vn - Với mục tiêu “Giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời” giáo dục mầm non (GDMN) đã có những thay đổi tạo những bước tiến mới.
Một trong những thay đổi quan trọng đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2017.

Theo đó, chương trình giáo dục nhà trẻ có sự điều chỉnh, bổ sung liên quan đến mục tiêu, chế độ sinh hoạt, nội dung, kết quả mong đợi cuối độ tuổi và đánh giá sự phát triển của trẻ. Chương trình giáo dục mẫu giáo có sự điều chỉnh, bổ sung ở mục tiêu, nội dung, đánh giá sự phát triển của trẻ. Hướng dẫn thực hiện chương trình có sự điều chỉnh căn bản ở chỗ: cho phép các cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với văn hóa, điều kiện địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ; việc “theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ và xem xét các mục tiêu của chương trình, kết quả mong đợi để có kế hoạch tổ chức hướng dẫn hoạt động phù hợp với sự phát triển của cá nhân trẻ và của nhóm/lớp” và việc “phát hiện và tạo điều kiện phát triển năng khiếu của trẻ, phát hiện sớm trẻ có khó khăn trong phát triển, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật” không còn chỉ là trách nhiệm của các giáo viên trực tiếp đứng lớp mà còn là trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục mầm non, gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

Để thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non sau khi có sự điều chỉnh, xin đưa ra một số vấn đề cơ bản xin chia sẻ như sau:

Trước hết, xin bàn về vấn đề phát triển chương trình giáo dục mầm non

Nhiều thế kỷ nay chương trình giáo dục được coi là tập hợp các môn học, là kiến thức, kỹ năng và giá trị học sinh cần nắm được. Đến đầu thế kỷ XX, chương trình giáo dục được coi là: kế hoạch dạy học dự tính, bao gồm: dạy cái gì, dạy ai, lúc nào và dạy như thế nào? Giữa thế kỉ XX: chương trình giáo dục là tập hợp những trải nghiệm trên thực tế của học sinh. Đến cuối thế kỉ XX: chương trình giáo dục là kết quả sẽ đạt được (kết quả mong đợi) và nhà giáo dục thiết kế các hoạt động giáo dục để đạt được kết quả mong muốn.

Quan điểm mới về chương trình giáo dục mầm non hiện nay, là tập hợp những kiến thức, kĩ năng và giá trị mà trẻ cần phải học; là tập hợp những trải nghiệm được giáo viên tổ chức để tạo cơ hội cho trẻ học tập và phát triển, một cách quy củ hay thoải mái, vui vẻ; là tất cả mọi thứ tác động lên trẻ trong môi trường lớp học, cả những hoạt động lên kế hoạch trước và những hoạt động ngẫu hứng tự do, cả những gì nhìn thấy được và những gì diễn ra bên trong (suy nghĩ và cảm xúc) của trẻ.
1
Cô và trò trường Mầm non Lay Nưa, thị xã Mường Lay trong giờ hoạt động ngoài trời
 
Chương trình giáo dục ở cấp học mầm non khác biệt hẳn với các cấp học khác bởi vì trẻ phát triển rất nhanh và học một cách tổng thể, chương trình bao gồm cả chăm sóc và giáo dục, cách dạy học cho trẻ mầm non phù hợp nhất chính là dạy học tích hợp (holistic).

Do vậy, để thực hiện tốt việc phát triển chương trình giáo dục mầm non chúng ta cần quan tâm đến các yếu tố chi phối như:

Hiểu biết của cán bộ quản lý, giáo viên về trẻ mầm non, nghĩa là người lớn cần hiểu trẻ mầm non học và phát triển như thế nào? Điều này đòi hỏi người làm giáo dục mầm non cần có hiểu biết cơ bản về đặc điểm phát triển tâm lý, sinh lý của trẻ, đặc biệt là nắm bắt được những mục tiêu và kết quả mong đợi ở trẻ về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm-kỹ năng xã hội, thẩm mỹ theo chương trình giáo dục mầm non hiện nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Yếu tố thứ hai chi phối đó là trình độ, khả năng của trẻ. Nghĩa là, người làm giáo dục mầm non cần quan tâm đến những gì trẻ đã biết, những gì trẻ cần biết và những gì trẻ muốn biết để xây dựng kế hoạch, phát triển chương trình và tổ chức thực hiện chương trình cho phù hợp với khả năng, kinh nghiệm và nhu cầu của trẻ trong quá trình phát triển.

Yếu tố thứ ba - điều kiện của địa phương, trường, lớp, cụ thể như: điều kiện về kinh tế, văn hóa-xã hội địa phương; điều kiện về nguồn lực của nhà trường và năng lực chuyên môn của giáo viên, yêu cầu của cấp học tiếp theo, mong muốn của cha mẹ trẻ, hiểu biết về tổ chức, quản lí, đánh giá trong GDMN.

Trên cơ sở kết quả đánh giá một cách khách quan tình trạng của các yếu tố chi phối đó và chương trình GDMN hiện hành giáo viên xác định những mục tiêu, nội dung và hoạt động giáo dục sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ trong năm học. Sản phẩm của quá trình này sẽ là kết quả của hoạt động phát triển chương trình GDMN cho thấy sự phù hợp với trẻ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đạt được kết quả mong đợi của xã hội về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Thứ hai, xin bàn về vấn đề theo dõi, đánh giá sự phát triển trẻ mầm non
 
Khác biệt với các cấp học khác, việc đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non không phải là đánh giá cá nhân trẻ đạt/chưa đạt yêu cầu theo các lĩnh vực phát triển hay đánh giá bằng điểm số mà giáo viên và các nhà quản lý mầm non đánh giá, xem xét các mục tiêu của năm học, mục tiêu của từng chủ đề hay mục tiêu của từng ngày đã đạt hay chưa đạt.

Việc đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non giúp giáo viên có được thông tin về trẻ một cách có hệ thống. Đây là việc cần thực hiện thường xuyên. Căn cứ kết quả theo dõi sự phát triển của trẻ, giáo viên tiến hành phân tích, đối chiếu với mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non, đưa ra những nhận định về mức độ phát triển của từng trẻ nhằm điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ một cách phù hợp, để thực hiện tốt việc phát triển chương trình giáo dục.

Một số trường mầm non sử dụng kết quả đánh giá sự phát triển của trẻ để xếp loại thi đua giáo viên. Điều này dẫn tới hoạt động đánh giá chất lượng trẻ không thực chất do giáo viên thường nâng chất lượng trẻ lên để không ảnh hưởng đến thi đua của cá nhân. Từ đó dẫn tới mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của hoạt động theo dõi, đánh giá sự phát triển trẻ mầm non là chưa đạt được.

Từ năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rõ nét, quán triệt trong thực hiện theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non. Các cơ sở GDMN không sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ để xếp loại thi đua giáo viên trong phạm vi toàn tỉnh.
2
Các bé mẫu giáo trường Mầm non Mường Báng số 2, huyện Tủa Chùa trong giờ hoạt động góc
 
Thứ ba, xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Việc thiết kế môi trường giáo dục ở trường mầm non có vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ. Môi trường là nơi tạo cơ hội cho trẻ tìm tòi, khám phá, thử nghiệm, phát hiện nhiều điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống, trẻ được tự lựa chọn hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm một cách tích cực, qua đó kiến thức, kỹ năng và thái độ ở trẻ dần được hình thành. Do đó, một môi trường giáo dục chỉ được coi là “lấy trẻ làm trung tâm” khi:

Đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho trẻ và trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh;

Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo;

Môi trường vật chất trong lớp, ngoài lớp đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, phù hợp với điều kiện thực tế;

Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú, các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm;

Khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau; tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động, trải nghiệm, khám phá d­ưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển toàn diện;

Tạo những điều kiện, cơ hội, tận dụng hoàn cảnh, tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn.

Thứ tư, vấn đề phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình của trẻ trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

Trong lý luận cũng như trong thực tiễn giáo dục, sự thống nhất tác động giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội được xem là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo cho mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả tốt. Trong việc tổ chức kết hợp các lực lượng giáo dục, gia đình có vai trò và tác động vô cùng quan trọng, là trọng tâm của các hoạt động kết hợp, đặc biệt đối với trẻ mầm non. Do vậy, các nhà trường cần đóng vai trò chủ đạo trong việc đề xuất các nội dung, lựa chọn hình thức phối hợp với gia đình để thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Việc phối hợp giữa cơ sở GDMN với gia đình của trẻ cần tập trung vào một số nội dung cơ bản như: Phối hợp thực hiện chương trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, giáo dục trẻ; kiểm tra đánh giá công tác chăm sóc, giáo dục trẻ và tham gia xây dựng môi trường giáo dục trẻ.

Một số hình thức phối hợp hiệu quả giữa cơ sở GDMN với gia đình trẻ như:

Thông qua việc xây dựng các góc tuyên truyền của trường, của các lớp. Tại đây thể hiện các thông tin tuyên truyền, thông báo, các yêu cầu của trường và những nội dung mà gia đình cần phối hợp với giáo viên trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Riêng đối với vùng có nhiều người dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng Việt, để hiệu quả hơn, các trường nên ưu tiên sử dụng kênh hình - hình ảnh minh họa thay cho kênh chữ -văn bản;

Trao đổi thường xuyên, hằng ngày trong các giờ đón và trả trẻ;

Tổ chức họp phụ huynh định kỳ;

Tổ chức các buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ theo các chuyên đề hoặc khi có dịch bệnh; các đợt kiểm tra sức khỏe cho trẻ;

Thông qua các hội thi, hoạt động văn hóa văn nghệ;

Cán bộ quản lý, giáo viên đến thăm trẻ tại nhà;

Hòm thư cha mẹ/ người chăm sóc trẻ;

Cha mẹ/người chăm sóc trẻ tham quan hoạt động của trường mầm non;

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (đài truyền thanh, truyền hình…); sử dụng loa phát thanh của trường tuyên truyền vào giờ đón và trả trẻ…

 Căn cứ nội dung phối hợp, các trường, giáo viên lựa chọn hình thức cho phù hợp, vận dụng sáng tạo với điều kiện thực tiễn, đảm bảo tính hiệu quả.

 Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng đối với việc chăm sóc giáo dục trẻ là một nguyên tắc cơ bản nếu muốn có sự thành công. Sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục trên, trước là để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Vấn đề cơ bản hàng đầu là tất cả các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra những mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục mầm non.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin trao đổi về một số vấn đề chủ yếu cần quan tâm để thực hiện có hiệu quả chương trình GDMN hiện hành. Rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ, phản hồi của các đồng nghiệp và bạn đọc./.

Tác giả: Trần Thị Thúy - Phòng GDMN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập331
  • Máy chủ tìm kiếm61
  • Khách viếng thăm270
  • Hôm nay75,968
  • Tháng hiện tại3,432,317
  • Tổng lượt truy cập74,141,697
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi