banner

Dấu ấn Nhà giáo anh hùng Nguyễn Văn Bôn với ngành giáo dục Điện Biên

Thứ bảy - 27/05/2023 05:58
Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, năm 1959 hàng trăm giáo viên xung phong lên dạy học ở Tây Bắc, trong đó có Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn - một trong những nhà giáo thế hệ đầu của ngành giáo dục Điện Biên.
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn (thứ 2 bên phải) và những nhà giáo thế hệ đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Ảnh: Văn Thành Chương
Những người khai phá
So với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Điện Biên có xuất phát điểm muộn hơn. Sau giải phóng Điện Biên năm 1954, cùng với công cuộc xây dựng Miền Bắc, nền GDĐT Điện Biên (Lai Châu cũ) mới bắt đầu hình thành. Khởi đầu là những Chiến sĩ Điện Biên Phủ tình nguyện ở lại để dạy học cho trẻ em và người dân chưa biết chữ.
Đến năm 1959, ngành GDĐT Điện Biên có dấu mốc quan trọng khi hơn 800 giáo viên miền xuôi tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi theo lời kêu gọi của Bác Hồ, với mục tiêu khắc phục tình trạng chậm tiến về kinh tế và văn hóa, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.
Trong số những giáo viên miền xuôi ấy có chàng thanh niên 22 tuổi Nguyễn Văn Bôn. Sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh, với kiến thức đã được học tại Trường Sư phạm sơ cấp Trung ương rồi về dạy học tại Thái Bình. Thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã tình nguyện viết đơn xung phong lên Tây Bắc...
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn (bên phải) trò chuyện với PV Báo Lao Động. Ảnh: Thanh Bình
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành GDĐT Điện Biên vừa được tổ chức tại TP Điện Biên Phủ, mặc dù đã ở tuổi 87, nhưng thầy Bôn vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và vô cùng hạnh phúc khi gặp lại những người đồng nghiệp từ hàng chục năm trước.
Thầy Bôn bồi hồi kể lại với PV thời khắc đầu tiên đặt chân đến Điện Biên hơn 60 năm trước: "Sau hơn 2 ngày đi nhờ xe tải, tôi cùng 18 thầy giáo nữa đi bộ từ thị trấn Lai Châu (nay là TX Mường Lay, tỉnh Điện Biên) mất 3 ngày mới vào đến Mường Tè. Sau đó tôi lại đi bộ tiếp 3 ngày nữa mới vào xã Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) để bắt đầu công việc dạy học".
Xã Mù Cả khi đó có khoảng 500 dân, sống rải rác ở 11 bản, trong khi đó cả cán bộ xã và người dân đều không biết tiếng phổ thông nên công tác dạy chữ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
"Khi đó ủy ban xã đã phải nhờ một người dân tộc Thái biết cả tiếng Hà Nhì và tiếng phổ thông làm phiên dịch cho tôi mất gần 1 năm" - thầy Bôn nhớ lại.
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn (thứ 2 bên trái) và những nhà giáo thế hệ đầu của ngành GDĐT Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương
Hàng ngày, vừa dạy chữ cho khoảng 40 học sinh trong toàn xã lại vừa huy động thanh niên trong bản chặt tre nứa về dựng trường, dựng lớp để các em đi học sẽ mang theo gạo và quần áo và ở lại lớp.
Theo thầy Bôn, đây cũng được coi là mô hình "trường nội trú dân nuôi" đầu tiên trong cả nước ở thời điểm đó.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò, năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên của các tỉnh miền núi Tây Bắc được công nhận là địa phương đã xóa được nạn mù chữ.
Đây cũng chính là năm Ty Giáo dục Lai Châu (Nay là Sở GDĐT Điện Biên) được thành lập.
Với những cố gắng không ngừng nghỉ và trái tim đầy nhiệt huyết, sau hơn 4 năm đưa Mù Cả thành "sáng cả" thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục nước ta.
Tấm Huân chương trên ngực áo đã sờn của Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. Ảnh: Văn Thành Chương
Viết tiếp lịch sử vẻ vang
Trao đổi với PV Báo Lao Động bên lề Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GDĐT Điện Biên cho biết, sự có mặt của các nhà giáo lão thành trong đoàn giáo viên xung phong lên Tây Bắc năm xưa là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với ngành GDĐT Điện Biên.
"Trong điều kiện vô vàn khó khăn sau giải phóng, các nhà giáo thế hệ thế hệ đầu tiên của ngành GDĐT Điện Biên đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào. Các thế hệ giáo viên, nhà quản lý giáo dục của Điện Biên hôm nay sẽ phát huy tinh thần vượt khó, sáng tạo của các thế hệ đi trước để tiếp tục viết nên những trang sử mới trên mảnh đất giàu truyền thống"
Trải qua 60 năm thành lập và phát triển, đến nay mạng lưới trường, lớp đã phủ kín các bản làng xa xôi nhất và được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống trường chuyên, trường chất lượng cao, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển và củng cố để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Nhiều tập thể và cá nhân ngành GDĐT Điện Biên được tuyên dương và tặng Bằng khen tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Ảnh: Văn Thành Chương
Với những cố gắng không ngừng nghỉ, ngành GDĐT Điện Biên đã có 3 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”; 1 tập thể vinh dự được được Chủ tịch nước được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cùng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý khác.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập469
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm464
  • Hôm nay28,433
  • Tháng hiện tại888,361
  • Tổng lượt truy cập135,366,654
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi