Khai mạc lớp tập huấn về phía Trung tâm Chính trị thành phố Điện Biên Phủ có đồng chí Đỗ Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Trung tâm; về phía Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên có sự tham gia của đồng chí Đào Thị Luyến - Trưởng ban công tác xã hội Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đồng chí Trần Văn Tân - Phó ban công tác xã hội Hội Chữ thập đỏ tỉnh; đồng chí Nguyễn Duy Tân - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Điện Biên Phủ; Tham gia lớp tập huấn về phía Trường PTDTNT tỉnh có 10 giáo viên, nhân viên và 69 học sinh tham dự. Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình khai mạc chiến dịch tập huấn sơ cấp cứu đồng chí Nguyễn Duy Tân - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Điện Biên Phủ nhấn mạnh: Sơ cấp cứu, hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đối với sự hình thành và phát triển của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, là một trong những hoạt động truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ.
Tai nạn, thương tích có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và chắc chắn không thể có đủ nhân viên y tế tại chỗ để xử lý đúng cách, kịp thời. Nếu tai nạn hoặc bệnh tật đột ngột xảy ra, nạn nhân có thể bị ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, thì lúc này việc sơ cứu tại chỗ vô cùng quan trọng vì thời gian vàng chỉ có thể trong vòng vài phút. Sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách sẽ góp phần quan trọng cứu tính mạng nạn nhân, làm giảm chi phí chữa trị, tăng cơ hội phục hồi chức năng cho nạn nhân, giảm gánh nặng chăm sóc và chi phí cho gia đình họ và giảm chi phí an sinh xã hội.
Sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và hoạt động thiết thực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là mục tiêu của nhiều bộ, ngành chức năng, tổ chức, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Công tác sơ cấp cứu tại cộng đồng được xem là có vai trò tiên quyết trong việc cứu sống tính mạng và khả năng phục hồi của nạn nhân sau này, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong. Công tác sơ cấp cứu không phải của riêng ngành y tế, đòi hỏi phải có sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng, của các cấp, các ngành. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng cao, do vậy người dân cũng cần có nhu cầu kiến thức về sơ cấp cứu để tự bảo vệ bản thân mình trong mọi tình huống không may xảy ra, đặc biệt trong lao động sản xuất. Đây là hướng đi mới phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Tại lớp tập huấn, sau khi khai mạc giáo viên, học sinh tham dự được truyền đạt, hướng dẫn cách phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường. Tìm hiểu một số loại thương tích, phân loại nhóm tai nạn thương tích. Các yếu tố trong tai nạn thương tích, hướng dẫn một số kĩ năng ứng phó khi gặp sấm sét; kĩ năng ứng phó đuối nước; kĩ năng ứng phó khi bị theo dõi, bắt cóc; kĩ năng khi có cháy; kĩ năng ứng phó khi bị bắt nạt. Những điều cần lưu ý khi gặp các tai nạn có thể gọi các số khẩn cấp: Bảo vệ trẻ em (111), cảnh sát (113), phòng cháy chữa cháy (114), cấp cứu (115).
Cũng trong buổi sáng ngày hôm 26/10/2024, các thanh niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ cũng được tìm hiểu nội dung kiến thức sơ cấp cứu ban đầu và an toàn trường học.
Học sinh được tham gia thực hành 5 bước sơ cấp cứu ban đầu do giảng viên hướng dẫn: Kiểm tra sự thở, nhịp tim; sơ cứu chảy máu- sốc; sơ cứu gãy xương cẳng tay, cánh tay; cẳng chân. Qua lớp tập huấn, các học viên đã được tiếp thu những kiến thức cơ bản về sơ, cấp cứu ban đầu. Từ đó góp phần hạn chế thương tích, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; đồng thời, từng bước phát triển lực lượng tình nguyện viên sơ, cấp cứu tại trường học, địa phương.
Kết thúc tập huấn, học viên có thêm kiến thức và vận dụng các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu vào thực tế, tự tin giải quyết các tình huống khẩn cấp khi xảy ra tai nạn thương tích tại nơi làm việc và ngoài cộng đồng. Những học sinh tham gia lớp tập huấn còn là nguồn tình nguyện viên cùng với Hội chữ thập đỏ tuyên truyền, hướng dẫn các kĩ năng sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống thiên tai, an toàn trường học. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc./.