Dienbien.edu.vn Như chúng ta đã biết xây dựng, phát triển con người cần phải đặt nền móng từ những năm đầu đời như Bác Hồ của chúng ta đã dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Do vậy, Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên, có vai trò đặc biệt quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển của mỗi cá nhân con người Việt Nam.
Tại Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 22/4/2024 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Uỷ ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” Thủ tướng đã nhấn mạnh một số quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là:
(1) Quan điểm của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, với quan điểm xuyên suốt: Con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực và động lực cho phát triển. Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Xây dựng, phát triển con người cần phải đặt nền móng từ những năm đầu đời.
Các bé 5 tuổi trường Mầm non Thị trấn Mường Chà thăm trường
Tiểu học Thị trấn Mường Chà trong hoạt động Bé làm quen trường Tiểu học
(2) Thực hiện đổi mới giáo dục mầm non trong thời gian tới phải đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển thời đại, phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước. Đổi mới giáo dục mầm non phải được đặt trên nền đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tổng thể, bao trùm, có tính toàn diện, toàn dân, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đổi mới phải phù hợp với vai trò, vị trí của giáo dục mầm non, để đào tạo và phát triển toàn diện con người trong tương lai.
(3) Thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, cách huy động và phân bổ nguồn lực để tạo nên bước đột phá cho sự phát triển giáo dục mầm non thời gian tới, nhất là các chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng và vấn đề xã hội hoá. Tích cực tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” đối với phát triển giáo dục mầm non là nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; nhân lực, đội ngũ giáo viên; tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…; có cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực cho giáo dục mầm non (chính sách về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; chính sách thu hút giáo viên mầm non...), đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển các cơ sở giáo dục mầm non theo phương thức đối tác công tư.
(4) Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Điện Biên và cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
(5) Thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục mầm non theo hướng phát triển các phẩm chất, năng lực của người học và đảm bảo tính liên thông với chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành.
Với định hướng chung như vậy, trong thời gian tới giáo dục mầm non của tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Trong đó quan tâm ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt là việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới, hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục mầm non từng bước hiện đại, tiếp cận với xu thế phát triển giáo dục mầm non của các nước trong khu vực và thế giới./.